Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lo…!

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi học kỳ I năm học 2016-2017, lần đầu tiên, học sinh khối 12 thi theo hình thức trắc nghiệm để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017. Không chỉ học sinh mà cả các bậc phụ huynh cũng lo lắng không kém. Môn toán là môn thi được mọi người quan tâm nhiều nhất vì ngay từ đầu giáo viên, học sinh và phụ huynh đều có nhiều điều e ngại. Thực tế, sự lo lắng ấy không phải không đúng.

Ngay khi thi môn toán về, con trai tôi – một học sinh khá giỏi toán – cũng đã tỏ vẻ buồn lo và cháu cho biết làm bài không kịp thời gian vì đề bài dài và khá nhiều câu khó. Tôi dò hỏi con của bạn bè học ở các trường THPT khác, các cháu cũng có cùng một ý kiến như thế.

Kết quả như đã biết từ đầu, điểm thi môn toán của con tôi và hầu hết học sinh trong lớp cháu chỉ đạt mức trung bình. Số học sinh đạt điểm khá rất hiếm và số học sinh điểm 9-10 gần như không có. Học sinh cả khối 12 ở trường con tôi chỉ có vài cháu điểm 9. Mặc dù giáo viên khối 12 đã trấn an phụ huynh và học sinh về việc kết quả thấp như thế là do học sinh chưa quen nhiều với hình thức thi trắc nghiệm, các em còn mất nhiều thời gian để phân biệt câu dễ, câu khó hay cứ làm theo thứ tự câu nên khi gặp câu khó thì mò mẫm giải hoài nhưng phụ huynh như tôi vẫn không an tâm.

Chỉ còn vài tháng nữa thôi là đã chấm dứt năm học, liệu trong thời gian ngắn ấy, các cháu có kịp làm quen với cách thi trắc nghiệm không? Đề thi trắc nghiệm toán có cần quá dài đến mức các cháu khó có thể làm xong bài và không có thời gian để dò lại bài như thế không? Điểm thi học kỳ thấp dẫn đến điểm trung bình môn thấp như thế là một thiệt thòi lớn cho các cháu khi xét tuyển vào ĐH bằng điểm trung bình môn của năm học trong học bạ. Các cháu học sinh lớp 12 và phụ huynh như chúng tôi thật sự lo lắng và không thể nào an tâm được.

Nhân Tâm

Bình luận (0)