Đó là một trong những vấn đề đặt ra tại buổi mạn đàm bàn về phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 13-9. Với việc giao kỳ thi cho các sở GD-ĐT chủ trì, phía trường ĐH nảy sinh thêm vấn đề băn khoăn là có cần tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển chọn?
Đại diện các trường trao đổi tại buổi mạn đàm sáng 13-9 |
60 câu hỏi chưa đủ “đo” năng lực?
Theo dự thảo, tại kỳ thi THPT quốc gia 2017, bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) sẽ gồm 60 câu hỏi thi trong 90 phút. TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng bài thi với thời lượng này sẽ không đủ sức đo lường như kỳ vọng của Bộ GD-ĐT. Đại diện trường ĐH khác cũng đồng tình, với số lượng câu hỏi ở bài thi khoa học tự nhiên và cả khoa học xã hội, nếu chia ra, mỗi môn chỉ 20 câu là quá ít. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Trần Thế Hoàng đề xuất tăng số lượng câu hỏi ở bài thi khoa học tự nhiên lên 90 câu vì 60 câu rất khó để đánh giá đúng năng lực thí sinh. Ông Hoàng ủng hộ phương thức thi trắc nghiệm vì đạt mục tiêu nhanh, chính xác, công bằng, đỡ tốn kém cũng như hạn chế bớt việc phúc khảo.
Phần lớn các trường cũng đồng tình với chủ trương ra đề thi mang tính đánh giá năng lực của Bộ GD-ĐT nhưng còn băn khoăn, giao kỳ thi THPT quốc gia về các sở liệu kết quả có đủ tin cậy hay bản thân họ có phải tổ chức thêm một kỳ đánh giá năng lực khác để tuyển chọn? TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) đặt thêm vấn đề, nếu các trường ĐH tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực thì sẽ thi cái gì, có thi lại các môn bộ đã tổ chức không? Đồng thời, các trường ĐH tự tổ chức riêng hay ủy nhiệm một trường đứng ra tổ chức trên nhiều cụm, điểm thi khu vực phía Nam để sử dụng chung kết quả bổ trợ xét với kết quả thi THPT quốc gia?
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhìn nhận, trong xét tuyển dựa theo khối truyền thống nhiều năm nay, các trường ngầm hiểu với nhau rằng năng lực của thí sinh qua một kỳ thi chính là năng lực học được ĐH hay không chứ chưa đề cập đến năng lực chuyên biệt cho từng ngành. Và việc dùng kết quả các môn THPT xét tuyển như trước đây mới chỉ giải quyết được bài toán là các em có năng lực học được ĐH hay không chứ chưa đánh giá được năng lực chuyên biệt. “Nếu năm nay bộ nhất quyết đưa hướng đánh giá năng lực vào kỳ thi thì những hệ thống liên quan đến quy định quy chế cần công bố sớm, và cho biết với cấu trúc của những bài thi như vậy sẽ giải quyết được năng lực gì, ở ngưỡng điểm nào giải quyết được năng lực gì… Căn cứ trên đó các trường ĐH xem xét có nên tổ chức thêm 1 kỳ thi riêng với kiến thức phổ thông không hay dùng cái cũ”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, nếu bộ công bố được đầy đủ thông tin liên quan đến khả năng đánh giá năng lực qua kỳ thi này thì các trường ĐH không nên tốn thêm 1 kỳ thi đánh giá năng lực nữa, nhất là nếu kỳ thi thêm đó không giải quyết được năng lực chuyên biệt cho từng nhóm ngành, trường.
Học sinh phải “gánh” thêm một số khối kiến thức Tại buổi mạn đàm, ông Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân) chia sẻ, trường đang trong tâm thế chờ đợi, khi bộ có phương án chính thức, chắc chắn sẽ điều chỉnh kế hoạch, thay đổi cách thức dạy học. Ông cho rằng, chuyển từ thi theo môn sang thi theo bài thi, thay vì chỉ chú trọng các môn thuộc tổ hợp mình chọn, học sinh sẽ phải “gánh” thêm một số khối kiến thức khác, đặc biệt đối với những em chọn khối A1, D. Do đó, các trường THPT mong muốn bộ và các trường ĐH sớm công bố phương án xét tuyển chi tiết, rõ ràng để chủ động dạy – học. |
TS. Nguyễn Đức Nghĩa thông tin, chiều 12-9, thảo luận của nhiều thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đề cập, trong trường hợp cần tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, không nên tổ chức thi lại những môn thí sinh vừa thực hiện ở kỳ thi THPT quốc gia vì sẽ dẫn đến tình trạng luyện thi. Bài thi đánh giá năng lực phải đánh giá được theo yêu cầu của nhóm ngành, trường… và quan trọng, cần có đầu mối đứng ra tổ chức thi đánh giá chung.
Cần công bố sớm “phiên bản” thi 2017
Dù cho rằng liên tục 4 năm qua, kỳ thi đều có thay đổi nhưng theo các trường, năm 2017 là sự thay đổi rất lớn vì tập trung mạnh ở khâu thi chứ không chỉ xét tuyển. Ông Nguyễn Ngọc Trung (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chỉ ra, những năm trước chỉ thay đổi hình thức thi nhưng môn thi không đổi nên thí sinh ít bị động. Năm nay cơ cấu môn thi được thay đổi. Việc gom chung bài thi nhưng vẫn từng phần riêng biệt như vậy nếu chỉ vì giảm thời gian, áp lực e rằng sẽ nảy sinh khó khăn khác. Học sinh dành thời gian cho 3 môn trong 90 phút thì có đủ khả năng thích ứng?
Nhìn nhận dưới góc độ người học, TS. Lê Thị Thanh Mai phân tích, bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, học sinh phải làm quen với việc “dồn” nhiều môn lại trong một thời gian rất ngắn. Việc chấm từng môn riêng lẻ hay theo bài thi cần được bộ công bố sớm để giáo viên, học sinh chuẩn bị. Nhất là khi nhiều học sinh cuối cấp hiện đã quen với hình thức thi theo môn chứ không phải bài thi liên môn và đã định hướng được khối, ngành, lĩnh vực theo đuổi.
Bà Mai cũng nhận định, chính giáo viên sẽ lúng túng khi làm quen cách ra đề sao cho học sinh trải nghiệm tổ hợp 3 môn trong bài thi đó. Chưa kể, nhiều thí sinh tự do, trong đó có những em trường chuyên nhưng chấp nhận thi ĐH lại năm nay cũng rất lo với cách thức điều chỉnh thi theo 5 bài thi như thế này.
Hầu hết các trường mong muốn bộ sớm công bố “phiên bản” cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2017 và có định hướng lâu dài cho chiến lược giáo dục nói chung, kế hoạch tuyển sinh nói riêng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)