Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lỗ bất thường

Tạp Chí Giáo Dục

Ở thời điểm cuối năm 2009, có 104/111 doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Lâm Đồng báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ, nặng nhất là các DN 100% vốn Đài Loan chuyên sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè Ô long.

Công ty chè Vina-Suzuki báo cáo lỗ trên 17 tỉ đồng – Ảnh: L.Hân
Lách luật để… lỗ
Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết các DN này chiếm 3/4 diện tích đất trồng chè của cả tỉnh (khoảng 18.000/24.075 ha), 90% sản phẩm làm ra được xuất khẩu. Điều vô lý nhất là giá chè Ô long họ kê khai xuất khẩu thấp hơn giá bán tại nội địa khoảng… 18 lần. Cụ thể, sản phẩm chè Ô long HaiYih (loại 1) có giá bán xuất khẩu chỉ bằng 13% giá bán nội địa. Chè Vina-Suzuki xuất khẩu qua Nhật Bản có giá cao nhất cũng chỉ bằng 61% giá bán nội địa…
Công ty TNHH Trà Đài Loan thành lập năm 2003, vốn pháp định 9,6 tỉ đồng nhưng lỗ lũy kế trên 11,2 tỉ đồng; Công ty TNHH King Wan Chen thành lập năm 2000, vốn pháp định 16 tỉ đồng nhưng báo lỗ 25,2 tỉ đồng; Công ty TNHH Trà King Lộ thành lập năm 2002, vốn pháp định 32 tỉ đồng, lỗ trên 47,7 tỉ đồng; Công ty TNHH HaiYih thành lập năm 2002, vốn pháp định 11,2 tỉ đồng, lỗ gần 47,6 tỉ đồng; Công ty TNHH TFB Việt Nam thành lập năm 1997, vốn pháp định 32 tỉ đồng, lỗ lũy kế gần 40 tỉ đồng; Công ty TNHH Tứ Hải thành lập năm 2003, vốn pháp định 2,4 tỉ đồng, lỗ 2,2 tỉ đồng… 
Trung bình mỗi năm, ngành thuế phải hoàn hơn 200 tỉ đồng cho các DN "thua lỗ" này.

Xung quanh vấn đề này, bà Hà Thúy Linh, Giám đốc Công ty TNHH HaiYih (Đà Lạt) cho biết: “Sở dĩ có tình trạng này là do Nhà nước chưa có cơ chế quản lý ngành chè. Không quy định khung giá các loại chè, nên các DN muốn trồng, muốn bán giá nào cũng được”. Bà Linh xác nhận: “Thực tế HaiYih làm ăn có lãi, chúng tôi đang đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy mới tại xã Trạm Hành (Đà Lạt) và sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 9.2010; tương tự một số DN khác cũng đang mở rộng sản xuất”.

Hiện tượng chuyển giá?
Dù báo cáo lỗ nhưng thực tế họ vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh, mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc trang thiết bị, thuê thêm đất trồng chè. Chính vì vậy mà Cục Thuế Lâm Đồng đã khẳng định: “Thực chất đây là những hình thức chuyển giá, lách thuế để công ty mẹ ở nước ngoài hưởng lợi”.
Trong báo cáo gửi Tổng cục Thuế, Cục Thuế Lâm Đồng nhấn mạnh: “Có hiện tượng chuyển giá nên giá bán xuất khẩu thấp hơn giá thành sản phẩm và giá bán nội địa”. “Nếu tình trạng này kéo dài thì cả một đời dự án không có đóng góp gì cho ngân sách nhưng lại còn được hoàn thuế VAT từ ngân sách nhà nước”, ông Trần Ngọc Hương, Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng, cảnh báo.
Phía các DN Đài Loan cho rằng họ không hề làm trái quy định của Nhà nước. Sở dĩ họ khai giá xuất khẩu trà Ô long 4 USD/kg vì Đài Loan chấp nhận mức giá này. Họ chỉ chịu 23% thuế nhập khẩu và 10% thuế VAT. Như vậy, nước nhập khẩu chè Ô long được hưởng lợi 33% trên giá bán sản phẩm. Do Nhà nước quy định mặt hàng chè thuế suất xuất khẩu bằng 0% nên ngành hải quan cũng như ngành thuế không kiểm soát được giá xuất khẩu và không thu được thuế.
Đã nhiều lần Cục Thuế Lâm Đồng tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các DN Đài Loan hoạt động trên địa bàn để thuyết phục các DN này nâng giá xuất khẩu chè bằng giá nội tiêu hoặc ít nhất bằng giá thành sản phẩm, nhưng họ không đồng ý. Hiệp hội DN Đài Loan cũng lý giải vì Nhà nước chưa có quy định khung giá với mặt hàng chè.
Lâm Viên / Thanh Nien

 

Bình luận (0)