Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Lo cho bóng bàn Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn cách đánh của các tuyển thủ khách trong vùng Đông Nam Á và cách đánh của các tuyển thủ chủ nhà Việt Nam dự giải Cây Vợt Vàng, không khỏi một thoáng lo âu.

Tuyển thủ Việt Nam đã nỗ lực hết mình, dù chỉ giành được ba huy chương đồng ở các nội dung đồng đội nam, đôi nam và đôi nam nữ.

Tại giải này năm ngoái, riêng đội nam đã đem về thành tích đáng khích lệ với hai HCB đồng đội và đôi, và một HCĐ đơn.

Việt Linh, tay vợt nữ đầy triển vọng

Chiếc HCĐ ở nội dung đôi nam nữ của Mỹ Trang và Nam Hải là một điểm sáng của đội tuyển Việt Nam ở giải lần này vì, ở các giải trước, thành tích của đội tuyển ở nội dung trên khá tệ (cho đến nay vẫn chưa được chú ý đầu tư nhiều như một số nội dung khác).

Một điểm sáng khác là sự tiến bộ và tâm lý tự tin của các tay vợt nữ. Dù không được giới chuyên môn đánh giá cao trước giải nhưng các tay vợt nữ Việt Nam thi đấu khá ấn tượng, trong đó có những trận xuất thần, đánh bại các đối thủ có trình độ nhỉnh hơn và dạn dày kinh nghiệm quốc tế hơn.

Đó là cây vợt trẻ Việt Linh (thắng cả Thái Lan và Malaysia), rồi Lương Thị Tám và Mỹ Trang (đánh bại cả hai tuyển thủ kỳ cựu của Nhật Bản).

Nhưng những điểm sáng nhỏ nhoi đó không thể che lấp thực trạng đáng lo của bóng bàn Việt Nam so với các đối thủ khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Thành tích của các tay vợt Thái Lan tại giải này khá ấn tượng khi giành á quân cả hai giải đồng đội nữ lẫn nam. Điều đó chứng tỏ các tay vợt của họ thi đấu khá đồng đều và tâm lý ổn định.

Tiếc là đội Thái Lan và Việt Nam không nằm chung bảng và hai đội cũng không gặp nhau ở vòng sau tại giải đấu này nên chưa thể có sự so sánh chính xác từng điểm mạnh, điểm yếu của các tuyển thủ hai phía.

Để có sự so sánh, các nhà chuyên môn chỉ đành dựa vào những trận đấu của hai đội này với các đối thủ Đông Á. Trong trận bán kết với Hàn Quốc A, tuyển Việt Nam chơi rất cố gắng trước sự cổ vũ của khán giả nhà nhưng do chênh lệch đẳng cấp cộng với sự nôn nóng, các tay vợt Việt Nam thúc thủ với tỷ số 1-3.

Trong lúc đó, trận bán kết còn lại, Thái Lan gây ấn tượng mạnh khi đánh bại Đông Kobe của Nhật Bản với tỷ số 3 – 2. Tay vợt số ba Chisit Chaitat chơi rất hay, thắng được tay vợt số ba của Đông Kobe, tạo nên sự đồng đều và tự tin trước đối thủ mạnh đến từ Nhật Bản.

Trước đó, tuyển Việt Nam lại thua Đông Kobe 1 – 3 ở vòng bảng, với cả ba tay vợt Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, và Đinh Quang Linh (mỗi người thua một trận).

Ngoài sự kém đồng đều so với các tay vợt Thái Lan, có vẻ đội tuyển Việt Nam còn lấn cấn trong sự sắp xếp khi phải chọn ba trong bốn tuyển thủ: Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh và Nguyễn Nam Hải.

Dĩ nhiên, Đoàn Kiến Quốc chắc một suất nhưng hai suất còn lại cho bộ ba Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh và Nguyễn Nam Hải lại là vấn đề nan giải của Ban huấn luyện.

Qua giải Cây Vợt Vàng, bóng bàn Việt Nam vẫn còn thời gian điều chỉnh, với chuyến dự giải châu Á tại Ấn Độ tháng 9 và tập huấn tại Trung Quốc vào tháng 11 để chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 25.

Tại đây, với việc đội nam Singapore được đánh giá là vượt trội, các tuyển thủ nam Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan và Indonesia.

 Tường Vũ (theo tienphong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)