Nhiều doanh nghiệp cho rằng chính việc các cơ quan quản lý né tránh trách nhiệm là nguyên nhân chủ yếu khiến cá tầm Trung Quốc vô tư nhập lậu vào Việt Nam.
Mỗi ngày có 2-3 tấn cá tầm được vận chuyển từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào TP.HCM với giá chỉ bằng 1/3 cá tầm nội đang khiến hàng chục doanh nghiệp (DN), người nuôi cá tầm trong nước “sống dở chết dở”. Đã vậy, DN dù đã báo cáo tình trạng lên Bộ NN&PTNT nhưng Bộ cùng các cơ quan chức năng khác lại “án binh bất động”, thậm chí còn để xảy ra sai sót trong việc chỉ đạo… càng khiến giới kinh doanh cá tầm bức xúc.
Ồ ạt tràn vào phía Nam
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 7-7 ở Hà Nội, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Cá nước lạnh Việt Nam, cho biết cá tầm không rõ nguồn gốc nhập lậu vào TP.HCM được bán ra thị trường với giá rất thấp, chỉ khoảng 120.000-130.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với cá tầm được sản xuất trong nước. Tính ra trong một năm, lượng cá tầm nhập lậu tuồn vào nước ta khoảng 600-700 tấn.
Con số này theo ông Lê Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cá tầm Việt Nam, có thể lớn hơn gấp tám lần, chừng 4.000-5.000 tấn, trong đó thị trường phía Nam tiêu thụ khoảng 60%-70%.
Nuôi cá tầm ở Bình Thuận. Ảnh: CTV
“Cá tầm Việt Nam khó có thể cạnh tranh giá với cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc bởi họ nuôi trong môi trường công nghiệp bằng thức ăn có hàm lượng tăng trọng cao, thời gian nuôi chỉ sáu tháng. Trong khi đó, cá tầm nuôi ở Việt Nam đều có thời gian nuôi ít nhất 12-18 tháng trước khi xuất bán” – ông Đức cho biết thêm.
Kiểm tra một nơi, chỉ đạo một nẻo
Dẫn chứng về sự thờ ơ của cơ quan quản lý đối với tình trạng cá tầm nhập lậu, ông Trần Yên, Giám đốc Công ty CP Nuôi trồng Thủy sản Tây Bắc (Lai Châu), kể câu chuyện “cười ra nước mắt”…
Đầu tháng 5-2013, Công ty CP Thủy điện Chu Va (Lai Châu) đã mở một cơ sở nuôi cá hồi và cá tầm rồi nhập lậu giống cá tầm từ Trung Quốc về nuôi, thậm chí còn đưa cả người Trung Quốc sang trực tiếp nuôi theo cách của họ. “Biết được sự việc, tôi đã báo cho chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu rồi báo lên cả ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Tổng cục Thủy sản đã cử thanh tra lên kiểm tra và xác định vụ việc là có thật. Nhưng từ đó đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, từ địa phương đến Tổng cục đều không có ý kiến gì. Thấy vậy, tôi viết thư gửi Bộ trưởng Cao Đức Phát. Vào ngày 11-6, tôi nhận được một phiếu chuyển đơn của Tổng cục Thủy sản”.
Phiếu chuyển đơn này do ông Vũ Tuấn Cường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra, thừa lệnh tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản ký với nội dung: “Ngày 10-6-2013, Tổng cục Thủy sản nhận được thư gửi Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát của ông Trần Yên. Căn cứ Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 và Điều 20 Luật Tố cáo năm 2011, Tổng cục Thủy sản chuyển thư này đến giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An để chỉ đạo làm rõ, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả về Tổng cục Thủy sản”.
“Tôi không hiểu tại sao sự việc xảy ra ở Lai Châu mà lại yêu cầu giám đốc Sở ở Long An xử lý” – ông Yên ngậm ngùi.
Nguy cơ chết yểu
Theo khẳng định của nhiều DN nuôi cá nước lạnh thì 100% cá tầm từ Hà Nội vào TP.HCM qua đường hàng không vì phải bảo quản đông lạnh, nếu không cá sẽ chết. Do vậy, việc kiểm tra cá tầm nhập lậu rất đơn giản. Với đặc thù loài cá nước lạnh phải vận chuyển qua đường hàng không, ở Việt Nam chỉ có Vietnam Airlines được cấp phép thì lực lượng chức năng, cơ quan thú y chỉ cần kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ là biết rõ.
Do đó, các DN cá tầm rất mong cơ quan hàng không “nói không” với việc vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc nhằm giúp đỡ DN cá tầm trong nước. Hơn nữa, trong đơn gửi lên Thủ tướng lần trước, Hiệp hội cùng các đại diện liên quan đã kiến nghị lập trạm kiểm dịch thú y ngay tại cảng hàng không.
“Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với đại diện hãng hàng không thì họ trả lời làm gì có con cá tầm nào “bay” từ Hà Nội vào TP.HCM”- ông Đức lắc đầu.
Siêu thị bán cá tầm nhập lậu?
Theo ông Lê Anh Đức, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, phần lớn sản phẩm cá tầm được bày bán ở một số siêu thị phía Bắc có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc. Thông tin từ Hiệp hội Phát triển Cá nước lạnh Việt Nam cho thấy sản lượng cá tầm của miền Bắc không quá 30-40 tấn/tháng, trong khi mức tiêu thụ của một siêu thị lớn tại đây đã là 50-70 tấn/tháng.
Ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức chuyên về cá tầm, cho biết thêm: “Tôi là nhà cung cấp giống cá tầm duy nhất của toàn miền Bắc và tôi biết mình cung cấp giống cho ai".
Cách phân biệt cá tầm Trung Quốc và Việt Nam
Cá tầm Việt Nam (có nguồn gốc giống từ Nga) màu vàng óng đặc trưng ở phía bụng, mũi dài nhưng hình tròn tù, không nhọn. Mình có nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và hai bên hông.
Cá tầm Trung Quốc và cá tầm lai có mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi bật như cá tầm Nga. Mũi cá dài nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt hoặc trắng.
|
TRÀ PHƯƠNG (PLO)
Bình luận (0)