Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Lỡ chọn ngành trái với tính cách, làm sao để biến bất lợi thành có lợi?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc chọn ngành nghề ‘trái dấu’ với tính cách của bản thân là vấn đề khiến một số sinh viên băn khoăn với định hướng trong tương lai.

Tính cách hướng nội nhưng chọn ngành hướng ngoại

Chọn học truyền thông vì bản thân yêu thích sự sáng tạo, P.T (sinh viên ngành Quan hệ công chúng, Trường ĐH Văn Lang) gặp khó khăn vì tính cách nghiêng về hướng nội. Cô chia sẻ: "Học ngành này phải tiếp xúc, làm việc với nhiều người nhưng với người lạ thì tôi không thể hiện bản thân được nhiều nên đây là điểm hạn chế".

Lỡ chọn ngành trái với tính cách, làm sao để biến bất lợi thành có lợi? - ảnh 1

Một số sinh viên hướng nội lo ngại khi đã chọn ngành đòi hỏi sự hướng ngoại. SHUTTERSTOCK

P.T chia sẻ việc ngại giao tiếp, kết nối là do không biết người khác nghĩ gì về mình. Nữ sinh viên cũng lo lắng những suy nghĩ của bản thân không cùng "tần số" với người lạ nên sinh ra tâm lý dè chừng. "Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng thích nghi theo thời gian và vẫn sẽ theo ngành vì yêu thích", cô nói.

Tương tự, M.A (sinh viên năm 3 khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) gặp khó khăn vì cho rằng tính cách hoàn toàn trái ngược với yêu cầu của ngành. "Người học truyền thông nói chung và báo chí nói riêng cần tính cách hướng ngoại, quảng giao. Điều đó làm tôi gặp rất nhiều trở ngại trong học tập, tham gia làm việc nhóm và các hoạt động ngoại khóa, đôi lúc chỉ vì tính cách khép mình, ngại giao tiếp mà tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng", M.A chia sẻ.

Tuy nhiên, M.A cho biết, một trong những lý do chọn ngành hiện tại là do môi trường học tập rất tốt, nhiều cơ hội việc làm, các bạn xung quanh luôn hỗ trợ và động viên trong quá trình học. Nữ sinh viên nói thêm: "Cá nhân tôi cảm thấy không có ngành nào hoàn toàn dành cho người hướng nội cũng như dành cho người hướng ngoại. Tính cách sẽ ảnh hưởng nhiều nhưng nó không hoàn toàn chi phối sự thành công của bản thân".

Nữ sinh viên quan điểm, học ngành trái với tính cách sẽ giúp bản thân bước ra khỏi vùng an toàn, có được nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. "Ngành học đã giúp tôi cải thiện nhiều về kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, được thầy cô truyền đạt kinh nghiệm sống, nhiều kiến thức xã hội mà sách vở không ghi chép. Tư duy của tôi cũng không ngừng sáng tạo, đổi mới".

Trong khi đó, L.N (tân sinh viên Trường Du lịch-ĐH Huế) cho biết vì muốn thay đổi bản thân nên đã chọn ngành du lịch dù tự nhận mình là một người hướng nội. "Trước giờ tôi khá tự ti, trong trường lớp cũng ít tham gia hoạt động. Vì thế, có nhiều thứ bất lợi nên tôi nhận ra mình phải mạnh dạn hơn", tân sinh viên chia sẻ.

L.N cho biết, ngành du lịch đòi hỏi phải đi nhiều, giao tiếp nhiều nên bản thân cũng nghĩ đến những khó khăn mà mình sắp đối mặt. "Do tôi khá rụt rè nên lúc đi học hoặc đi thực tập có thể sẽ bị thua thiệt so với các bạn", cô nói.

Tuy nhiên, L.N cho biết đã chuẩn bị tâm thế để vượt qua trở ngại và rèn luyện sự tự tin. Nữ sinh viên chia sẻ: "Vào đại học, tôi sẽ tham gia các câu lạc bộ của trường, đi làm thêm ở các quán cà phê để giao tiếp, trải nghiệm và kiếm thêm thu nhập".

Lỡ chọn ngành trái với tính cách, làm sao để biến bất lợi thành có lợi? - ảnh 2

Một số sinh viên hướng nội quyết chọn những ngành hướng ngoại để phát triển bản thân. SHUTTERSTOCK

Chọn nghề không chỉ dựa vào tính cách

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan (Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết việc chọn ngành nghề phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công tác hướng nghiệp, yêu cầu của nghề và thị trường lao động…

Về việc một số sinh viên chọn ngành có đặc thù trái với tính cách, ông Phan lý giải, mỗi người ai cũng có những lúc hướng nội hoặc hướng ngoại, nhưng trong những tình huống quan trọng thì có mặt tính cách sẽ nổi bật hơn. "Khi đó, ta sẽ thành công trong những công việc thiên về hướng nội hay hướng ngoại chứ không thể định khuôn sẵn một ngành nghề nào đó dành cho người có tính cách hướng ngoại hoặc hướng nội", tiến sĩ Phan chia sẻ.

Theo ông Phan, việc chọn ngành "trái dấu" với tính cách cũng mang đến những lợi ích thiết thực cho sinh viên. "Điều quan trọng nhất là vượt qua giới hạn của bản thân, nỗ lực thực hiện tốt công việc dù không phù hợp với tính cách cá nhân. Điều này rất cần ở các bạn trẻ, vì không thử sức thì không thể khám phá giới hạn của chính mình và đạt được thành công", ông Phan nói.

Ông Phan chia sẻ, việc chọn nghề không chỉ dựa vào tính cách, trường hợp cụ thể như người hướng nội nhưng phải làm việc, tiếp xúc thường xuyên với nhiều người thì phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người có kiểu tính cách hướng ngoại.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Phan đưa ra lời khuyên dành cho sinh viên ngại ngùng, rụt rè khi tương tác xã hội: "Chúng ta nên tập tiếp xúc với nhiều người, từ bạn bè, người quen sau đó là người lạ. Tính cách, kiểu người có sự ổn định, khó mất đi nên đây là một quá trình lâu dài, cần nỗ lực rèn luyện và đặt mục tiêu".

Đối với sinh viên đã, đang hoặc sắp chọn ngành có những đặc thù trái với tính cách, ông Phan chia sẻ: "Ngoài sở thích thì các bạn cần rèn luyện để bản thân phù hợp với ngành nghề đã chọn, nếu thật sự đam mê thì hãy nỗ lực để làm tốt công việc. Con người không sinh ra để phù hợp với tất cả các nghề và chúng ta không thể đòi hỏi công việc phải phù hợp với cá nhân".

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan chia sẻ: "Tính cách của con người chỉ là một yếu tố để xác định nghề nghiệp. Tuy nhiên, tính cách và kiểu người cũng ảnh hưởng đến sự tích cực của cá nhân trong hoạt động nào đó của nghề".

Theo Kỷ Hương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)