Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Lo điểm sàn cao

Tạp Chí Giáo Dục

Với phổ điểm thấp như năm nay, lãnh đạo nhiều trường ĐH hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ hạ điểm sàn so với năm 2010 để các trường có thêm cơ hội tuyển sinh
Theo đúng lịch trình tuyển sinh, hôm qua (31-7), các trường ĐH, CĐ đã hoàn thành việc công bố điểm thi của thí sinh (TS). Với điểm thi thấp đến không ngờ ở các trường tốp dưới, trường ngoài công lập, lãnh đạo nhiều trường đang lo lắng nếu điểm sàn không giảm, chắc chắn sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu.
Khó tuyển đủ từ nguyện vọng 1
 Với thủ khoa khối A chỉ đạt 12,5 điểm nên Trường ĐH Hà Hoa Tiên (tỉnh Hà Nam) chắc chắn sẽ không tuyển được TS nào từ nguyện vọng 1. Ở khối D1 của trường, thủ khoa cũng chỉ 14 điểm nên nếu có tuyển nguyện vọng 1, chắc chắn cũng chỉ tuyển được rất ít.
Làm thủ tục dự thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Luật TPHCM sáng 8-7-2011. Ảnh: THÙY VINH
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự là Trường ĐH Tây Bắc. Ông Phạm Minh Thông, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết nếu xét tuyển với mức điểm sàn năm ngoái (13 – 14 điểm) thì toàn trường chỉ có 25% TS trúng tuyển. Đặc biệt, 17 ngành đào tạo giáo viên của ĐH Tây Bắc tuyển sinh vô cùng khó khăn mặc dù đã có các ưu đãi như miễn, giảm học phí. Theo ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, 63% TS thi vào trường này có tổng điểm dưới 10. Vì vậy, nếu điểm sàn của bộ không thay đổi, trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh, chỉ có thể trông chờ vào xét tuyển nguyện vọng 2, 3.
Ở phía Nam, nhiều trường ĐH cũng bi đát không kém. Trường ĐH Lạc Hồng chỉ có 21 TS dự thi khối C đạt từ 14 điểm trở lên. Lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn và ngay cả ở mức điểm này, việc tuyển đủ chỉ tiêu cũng rất khó. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM chỉ có 198/3.562 TS thi khối A có tổng điểm từ 13 trở lên và 985/5.966 TS thi khối B có tổng điểm 3 môn là 14 điểm trở lên.
Hy vọng điểm sàn hạ
Với phổ điểm thấp, lãnh đạo nhiều trường ĐH hy vọng bộ sẽ hạ điểm sàn so với năm 2010 để các trường có thêm cơ hội tuyển sinh. Tuy nhiên, điểm sàn bao nhiêu, có hạ so với năm ngoái hay không vẫn còn là vấn đề cần phải tính toán, cân nhắc. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, từ phổ điểm chung của TS cả nước, Hội đồng điểm sàn sẽ dựa trên nhiều yếu tố để đưa ra mức điểm thích hợp với tinh thần có một nguồn tuyển dồi dào để các trường thuận lợi hơn trong xét tuyển.
Dù Bộ GD-ĐT quy định sau khi có điểm sàn các trường mới được công bố điểm chuẩn, tuy nhiên, ngay khi công bố kết quả thi, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn (dự kiến) của mình bằng điểm sàn năm ngoái. Lãnh đạo Trường ĐH Thành Đô cho biết điểm chuẩn của trường sẽ bằng điểm sàn của bộ và trường sẽ dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển nguyện vọng 2. Hàng loạt trường khác như ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Đại Nam, ĐH dân lập Hải Phòng… cũng công bố kế hoạch tương tự.
Không chỉ các trường dân lập, hàng loạt trường công lập cũng đứng trước mối lo không tuyển đủ chỉ tiêu nên cho biết sẽ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn như ĐH Phòng cháy chữa cháy, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Công nghiệp Việt Trì…
Nới điểm ưu tiên vẫn khó
PGS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, cho hay với mức điểm sàn như năm 2010, các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Huế cũng không lấy đủ TS nguyện vọng 1 vào học. Thậm chí, ngay cả khi vận dụng điều 33 quy chế tuyển sinh (cho phép các trường khu vực khó khăn được nới điểm ưu tiên) thì nhiều trường vẫn lo lắng phải đóng cửa một số ngành học vì rất ít người đăng ký xét tuyển.
Theo Yến Anh
(NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)