Hội nhậpThế giới 24h

Lộ diện kho báu tối quan trọng với kinh tế Nga nhiều thế hệ

Tạp Chí Giáo Dục

Để phát triển nền kinh tế Nga trong tương lai, Bắc Cực và Viễn Đông được xem là kho báu tối quan trọng.
Tàu chở LNG phá băng Christophe de Margerie tại cảng Sabetta, khu tự trị Yamlo-Nenets, Nga.
Tương lai của nền kinh tế Nga nằm ở Bắc Cực, các dự án cơ sở hạ tầng ở đây sẽ duy trì đất nước qua nhiều thế hệ.
Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Aleksey Chekunkov nói với RT trong Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 14.6 rằng, Bắc Cực rất quan trọng đối với tương lai của nền kinh tế Nga.
Ông Chekunkov tin tưởng, các dự án cơ sở hạ tầng như Tuyến đường Biển Bắc cùng nhiều dự án khai thác và xử lí tài nguyên thiên nhiên của khu vực sẽ mang lại lợi ích cho Nga trong nhiều thập kỷ tới.
Ông Chekunkov lưu ý, Bắc Cực rất giàu kim loại quý và là nguồn cung cấp gần 90% khí đốt tự nhiên của Nga. Bắc Cực sẽ sớm trở thành nơi đặt các nhà máy hóa lỏng khí tự nhiên nổi có khả năng sản xuất 7 triệu tấn LNG mỗi năm.
Khu vực này cũng rất giàu dầu mỏ, với dự án lớn nhất, Vostok Oil của Rosneft, dự kiến sản xuất tới 100 triệu tấn dầu thô hàng năm vào năm 2031-2032. Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga cũng được đặt ở Bắc Cực.
“Bắc Cực và Viễn Đông là một kho báu. Bắc Cực là nơi xây dựng nền kinh tế tương lai của Nga. Những gì xảy ra hôm nay ở Bắc Cực và Viễn Đông sẽ phục vụ nhiều thế hệ người Nga” – ông Chekunkov nói.
Dự án năng lượng dầu khí Sakhalin 2 ở vùng Viễn Đông của Nga.
Bộ trưởng lưu ý, Nga đang tập trung vào phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng trong khu vực, đặc biệt là Tuyến đường Biển Bắc.
“Đây là hành lang vận tải biển phát triển năng động nhất thế giới hiện nay. Trong bảy năm qua, doanh thu vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường này đã tăng hơn 8 lần, từ 4 triệu tấn lên 34 triệu. Đến năm 2031, có thể kì vọng chỉ riêng doanh thu hàng hóa của Nga sẽ đạt 200 triệu tấn mỗi năm” – ông Chekunkov tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng khối lượng này tương đương với những gì đi qua kênh đào Suez ngày nay.
Bộ trưởng cho biết, ngoài tầm quan trọng như một liên kết ngắn hơn giữa châu Á và châu Âu cùng lợi ích kinh tế của nó, tuyến đường còn cung cấp một giải pháp thay thế an toàn cho các tuyến vận tải hàng hóa hàng hải khác do cách xa các khu vực xung đột.
Ông Chekunkov cho hay, nhiều đối tác nước ngoài của Nga đang bày tỏ quan tâm đến việc tham gia cùng Mátxcơva trong việc phát triển Tuyến đường Biển Bắc, nhưng cảnh báo rằng các mối quan hệ đối tác như vậy cần phải được thực hiện ngay hôm nay, vì trong 10 năm nữa có thể là quá muộn.
Tuyến đường Biển Bắc (màu xanh) và tuyến đường qua kênh đào Suez (màu đỏ).
“Những người buộc phải trì hoãn hợp tác với Nga vì lí do chính trị sẽ hối hận vào ngày mai. Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đang tích cực hợp tác với chúng ta. Những quốc gia này sẽ hưởng lợi từ sự phát triển của Tuyến đường Biển Bắc trong 10 năm tới. Trong 10 năm tới, nó sẽ trở thành một hành lang giao thông toàn cầu, nơi chỉ những người hợp tác với chúng ta ngày hôm nay mới có thể đi” – ông nói.
Bộ trưởng cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây liên quan đến xung đột Ukraina đã có tác động tích cực đến sự phát triển của Bắc Cực.
Ông ví các biện pháp trừng phạt như một “căn bệnh trong cơ thể con người, gây ra phản ứng miễn dịch", nhấn mạnh rằng “nền kinh tế Nga đang trải qua phản ứng miễn dịch này một cách đàng hoàng”.
“Chúng ta thậm chí còn chưa vấp ngã. Tốc độ của các khoản đầu tư mới đã tăng lên. Trong khi chúng ta có 248 dự án đầu tư vào năm 2021, con số này đã lên tới 260 vào năm 2022, khi hơn 50 doanh nghiệp mới được thành lập. Một số dự án yêu cầu thay đổi… nhưng các công ty có thể điều chỉnh. Nói chung, nó giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, giúp chúng ta tự cung tự cấp hơn” – Bộ trưởng Chekunkov nói với RT.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)