Danh sách bán vốn đợt này của SCIC xuất hiện những cái tên đáng chú ý như “vua” Nhựa Bình Minh (BMP), Seaprodex (SEA) , Tổng CTCP LICOGI (LIC) ,… và loạt doanh nghiệp điện như Nhiệt điện Phả Lại (PPC) , CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) , CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP),…
Danh sách thoái vốn của SCIC đợt 1/2023
Trong danh sách trên, SCIC cho biết đã thoái vốn thành công tại 4 doanh nghiệp, trong đó bao gồm 29% vốn tại CTCP Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Ngãi, 53% vốn tại CTCP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp II Quảng Bình, 65% CTCP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp Quảng Bình và 51% CTCP Quản lý đường thủy nội địa số 9.
Năm 2022, SCIC từng có kế hoạch thoái vốn tại 101 đơn vị thành viên. Trong danh sách, có nhiều công ty đáng chú ý như CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP), CTCP Nhựa Việt Nam (mã VNP), CTCP Seaprodex (mã SEA), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP), Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (mã VEC), CTCP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam (mã QTC), CTCP Tập đoàn Vinacontrol (mã VNC), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 – CTCP (mã FIC), Tổng công ty Thăng Long (mã TTL), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam – CTCP (mã VIW), Tổng công ty Licogi (mã LIC). Tuy nhiên, diễn biến không thuận lợi, đà lao dốc của thị trường chứng khoán đã khiến những thương vụ này bị đình lại.
Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp, bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp, với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,1 lần giá vốn.
Trong đó, có những thương vụ bán vốn tại các doanh nghiệp quy mô lớn như CTCP Sữa Việt Nam (thu về 20.276 tỷ đồng), CTCP Nhựa Bình Minh (thu về 2.330 tỷ đồng), CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (thu về 7.366 tỷ đồng). Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước là 48.319 tỷ đồng, chiếm gần 60% giá trị nộp ngân sách nhà nước của SCIC từ khi thành lập đến nay.
Theo Việt Linh/TPO
Bình luận (0)