Hội nhậpThế giới 24h

Lộ diện thị trường nhập khẩu khí đốt chính của Nga thay thế EU

Tạp Chí Giáo Dục

Trung Quốc dự kiến sẽ vượt EU để trở thành nước tiêu thụ khí đốt chính của Nga sau khi đường ống Power of Siberia 2 đi vào hoạt động vào năm 2030.
Đường ống dẫn khí Power of Siberia 1 từ Nga sang Trung Quốc.
Nga chuyển hướng xuất khẩu khí đốt
Đường ống Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) đang được lên kế hoạch xây dựng sẽ đưa khí đốt từ khu mỏ Yamal ở phía tây Siberia – nguồn cung cấp khí đốt chính cho Châu Âu – đến Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu và tăng trưởng tiêu thụ khí đốt nhanh nhất thế giới.
Dự án gần đây đã được xúc tiến mạnh mẽ khi EU quyết định từ bỏ các sản phẩm dầu khí của Nga sau khi bắt đầu cuộc chiến Nga – Ukraina vào ngày 24.2.
Cuộc xung đột – hiện bước sang tháng thứ 10 – đã dẫn đến một cuộc chiến năng lượng chưa từng có giữa Nga và các cường quốc phương Tây, gây áp lực ngày càng lớn lên thị trường dầu mỏ và khí đốt tự nhiên toàn cầu.
Các quốc gia Châu Âu áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga và quyết định cấm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga với mức giá trần là 60 USD/thùng. Phương Tây đồng thời đang thảo luận về việc áp đặt mức giá trần đối với khí đốt của Nga. Do sự khác biệt giữa các nước thành viên, quyết định vẫn chưa được đưa ra.
Năm ngoái, EU ​​nhập khẩu khí đốt từ Nga trung bình khoảng 155 tỉ mét khối (bcm)/năm, tương ứng với khoảng 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối.
Giá trần đối với khí đốt Nga – dự kiến ​​vào khoảng 200 euro/megawatt giờ – đã gây ra cuộc tranh luận ở EU, chia rẽ các quốc gia như Đức, Bỉ và Ba Lan.
Đức tuyên bố rằng việc áp giá trần với khí đốt của Nga sẽ gây ra các mối đe dọa đối với an ninh nguồn cung, trong khi Bỉ, Ba Lan và Italia coi việc hạn chế giá là một cách để bảo vệ người tiêu dùng trước những biến động về giá.
Giá khí đốt hiện vào khoảng 130 euro/megawatt giờ, giảm từ 340 euro vào tháng 8.
Nga – quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khí đốt cho EU – dự định bù đắp thị phần bị mất ở Châu Âu bằng cách chuyển hướng đến Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Xây dựng đường ống dẫn khí phía đông Trung Quốc – Nga ngày 12.3.2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin báo hiệu sự thay đổi trong bản đồ năng lượng của Nga khi vào ngày 14.4 đã chỉ thị "chính phủ chuẩn bị chuyển nguồn cung cấp năng lượng sang phía Đông trong bối cảnh phương Tây có kế hoạch ngừng mua".
RT dẫn lời Tổng thống Putin cho biết hôm 15.12 tại một cuộc họp của Hội đồng Phát triển Chiến lược và Dự án Quốc gia rằng, nguồn cung khí đốt của Nga sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt gần 90 bcm vào cuối thập kỷ này.
Ông cho biết việc phát triển cơ sở hạ tầng cảng và đường ống ở phía nam và phía đông sẽ là những bước quan trọng để giảm thiểu tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và "các hành động thù địch" khác chống lại Nga.
“Việc triển khai các dự án như mỏ Kovyktinskoe, Power of Siberia 2 và tuyến đường Viễn Đông sẽ giúp tăng nguồn cung cấp khí đốt cho phía đông lên 48 bcm vào đầu năm 2025 và 88 bcm vào năm 2030” – ông Putin nói. Số lượng này sẽ chiếm hơn 60% nguồn cung cấp khí đốt cho phương Tây vào năm 2021.
Theo Tổng thống Putin, các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới ở vùng Yamal của Nga sẽ giúp tăng sản lượng LNG thêm 70 bcm, giúp đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu.
Hồi tháng 9, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay, xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nước EU trong năm 2022 ước tính giảm 50 bcm.
Khách hàng tiềm năng
Đường ống Power of Siberia 1 – đường ống xuất khẩu hoạt động duy nhất của Nga sang Châu Á – vẫn chưa đạt công suất tối đa.
Mặc dù theo kế hoạch, đường ống này sẽ vận chuyển 38 bcm khí đốt từ Nga sang Trung Quốc sau khi đạt công suất tối đa, song khối lượng này chỉ bằng khoảng 25% mức trung bình hàng năm là 155 bcm khí đốt bán cho Châu Âu trước chiến sự Ukraina.
Ngoài đường ống Power of Siberia 1, Nga có kế hoạch xây dựng đường ống Power of Siberia 2, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.
Power of Siberia 2 sẽ cung cấp 50 bcm khí đốt hàng năm, nâng tổng lượng xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Trung Quốc lên 88 bcm qua đường ống khi cả Power of Siberia 1 và 2 đều đạt công suất tối đa.
Đường ống Power of Siberia 1 (chấm xanh) và Power of Siberia 2 dự kiến (chấm đen).
Nga hiện xuất khẩu khoảng 10% lượng khí đốt nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc thông qua đường ống và tàu chở LNG, nhưng với kế hoạch nâng cấp công suất, Nga sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt chính của Trung Quốc. Trung Quốc hiện nhập khẩu khoảng 45% nhu cầu khí đốt. Để đáp ứng nhu cầu khí đốt hàng năm khoảng 372 bcm, Trung Quốc tự sản xuất 208 bcm và nhập khẩu hơn 160 bcm vào năm 2021.
Trung Quốc nhận 1/3 lượng khí đốt từ các đường ống và phần còn lại từ LNG. Nước này đã nhập khẩu 53,2 bcm khí đốt qua đường ống vào năm ngoái, so với 109,5 bcm LNG.
Trong số các nhà cung cấp LNG của Trung Quốc có Australia với 43,6 bcm, Mỹ với 12,4 bcm, Qatar với 12,3 bcm và Malaysia với 11,7 bcm.
Nước này đã nhập khẩu 31,5 bcm khí đốt qua đường ống từ Turkmenistan; 7,6 bcm từ Nga; 5,9 bcm từ Kazakhstan; 4,3 bcm từ Uzbekistan và 3,9 bcm từ Myanmar.
Trung Quốc có 24 cảng LNG hoạt động tính đến tháng 11 năm 2022, với tổng công suất tiếp nhận hàng năm là 109,5 triệu tấn. Cả nước có 15 kho chứa khí với tổng dung tích 17 bcm.
Hơn nữa, Bắc Kinh dự định mở rộng các cảng LNG, bổ sung thêm 34 cảng mới vào năm 2035, nâng tổng công suất lên 224 triệu tấn. Phần lớn các nhà ga LNG của Trung Quốc là ở các thành phố phía nam và phía đông.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)