Trung tâm tài chính Mumbai ở Ấn Độ hiện là nơi tập trung số tỉ phú cao thứ ba thế giới, sau New York và London.
Thành phố Mumbai ở Ấn Độ trở thành "thủ đô tỉ phú" của châu Á.
Thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh để trở thành “thủ đô tỉ phú” của châu Á, theo danh sách người giàu toàn cầu do Viện nghiên cứu Hurun ở Thượng Hải, Trung Quốc công bố.
Số lượng tỉ phú ở trung tâm tài chính Ấn Độ đã tăng lên 92, cao thứ ba thế giới sau New York, Mỹ (119) và London, Anh (97). Đáng chú ý, thủ đô New Delhi của Ấn Độ lần đầu tiên lọt vào top 10.
Theo Viện nghiên cứu Hurun, Ấn Độ có 271 tỉ phú, cao thứ ba trên hành tinh, chỉ sau Trung Quốc (814) và Mỹ (800).
Tỉ phú Mukesh Ambani, chủ sở hữu tập đoàn Reliance Industries của Ấn Độ, vẫn giữ vị trí là người Ấn Độ giàu nhất với tài sản ròng trị giá 115 tỉ USD. Ông cũng là người giàu nhất châu Á.
Tỉ phú Ambani gây chú ý vào đầu tháng này khi tổ chức bữa tiệc xa hoa trước đám cưới của con trai út Anant Ambani.
Tỉ phú Mukesh Ambani (phải) và con trai Anant Ambani cùng Bill Gates (trái) và bạn gái Paula Hurd trong tiệc trước đám cưới của Anant Ambani, ngày 2.3.2024.
Chủ tịch Tập đoàn Adani Gautam Adani (86 tỉ USD), người có tài sản tăng 33%, là người Ấn Độ giàu thứ hai trong danh sách.
Rupert Hoogewerf, chủ tịch kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun Report, cho biết: “Ấn Độ đã có một năm cực kỳ mạnh mẽ, niềm tin vào nền kinh tế đã tăng lên mức kỷ lục”.
Ông Hoogewerf cũng lưu ý rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực chính của xu hướng này, tạo ra hơn một nửa tổng số tài sản mới trong năm nay.
Số lượng tỉ phú ở Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi nước này cải cách chính sách kinh tế vào năm 1991 để thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Tuy nhiên, sự chênh lệch về giàu nghèo giữa 1% người giàu nhất và phần còn lại của đất nước đã đạt mức cao lịch sử.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế Kumar Bharti, Lucas Chancel, Thomas Piketty và Anmol Somanchi, khẳng định rằng chênh lệch giàu nghèo ở Ấn Độ hiện nay cao hơn so với thời kỳ thuộc địa của Anh. Theo nghiên cứu, tỉ lệ tài sản của 1% người giàu nhất Ấn Độ đứng ở mức 40,1% trong năm 2022-2023.
Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng đáng kể, đạt mức tăng trưởng GDP 8,4% từ tháng 10 đến tháng 12.2023, tốc độ nhanh nhất trong 6 quý. Theo nhiều nhà phân tích, quốc gia Nam Á này đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vòng ba năm tới.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)