Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã cận kề. Mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng cho giờ “G” lịch sử của đổi mới khâu thi cử. Các nhà trọ ở các thành phố lớn đã kín mít bởi số lượng thí sinh đổ về gấp nhiều lần ngày thường. Ở các vùng sâu, vùng xa cũng thi theo cụm. Cứ từ 2 đến 3 trường chung huyện thì có 1 điểm thi, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh dự thi.
Điều chúng tôi muốn nói ở đây là việc lo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho cán bộ, giám thị làm công tác thi. Theo “thông lệ” các năm trước, các trường chung hội đồng sẽ có màn “hỗ trợ” tiền ăn, tiền nghỉ cho toàn thể hội đồng.
Nếu cán bộ, giám thị ở các hội đồng thi ở thành phố, thị xã phải tự túc nơi ăn chốn nghỉ thì các hội đồng vùng sâu, vùng xa được “chủ nhà” bao trọn từ đầu đến cuối. Tiền do hội phụ huynh đóng góp nên có người nói vui là tiền “chống trượt”! Nào lo ăn sáng, cà phê sáng; nào ăn trưa, ăn chiều; tối rủ nhau nhậu vui vẻ… Coi thi xong lãnh nguyên vẹn tiền coi thi, tiền trọ, tiền lưu trú khoảng vài ba triệu về.
Từ đó, khâu coi thi có phần dễ dãi; giám thị ngó lơ khi học sinh trao đổi, quay tài liệu. Mà giám thị có nói cũng… khó vì ăn cơm của phụ huynh “chiêu đãi” rồi! Vì vậy, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm luôn đụng trần; năm sau luôn cao hơn năm trước…
Kỳ thi năm nay (2015) có thay đổi là các trường ĐH cử cán bộ, giảng viên tham gia giám sát hội đồng coi. Nhưng liệu về vùng sâu, vùng xa họ có “trụ vững” trước cám dỗ của “lòng mến khách đột xuất”? Họ có tự lo chỗ ăn, chỗ nghỉ để làm việc cho khách quan không? Hay “chủ nhà” lo toan hết thì e rằng lại “há miệng mắc quai” như những năm trước!
Viết ra những điều này tôi cũng ngại vì… thấy tội nghiệp các đồng nghiệp của mình! Vì một vài ba bữa ăn, vài ba buổi nhậu mà tự mình làm nhòa đi hình ảnh người thầy… Chế độ coi thi khá cao (tham gia 3, 4 ngày thi; cách nhà khoảng 50 cây số; cuối đợt lãnh trên 2 triệu là bình thường). Tại sao chúng ta không lấy tiền đó để tự túc, khỏi làm phiền trường sở tại và lòng mình luôn thanh thản?
Đề nghị các cơ quan chức năng có quy định rõ ràng, cụ thể về việc tự túc chỗ ăn, nghỉ; không để tình trạng này diễn ra vì nó làm mất tính khách quan, sự công bằng giữa các hội đồng thi.
Thạch Trung Ngôn
(GV làm công tác coi thi nhiều năm ở Sóc Trăng)
Bình luận (0)