Nếu đề xuất áp giá sàn được Bộ GTVT thông qua, nhiều người dân lo lắng sẽ khó có cơ hội mua vé giá rẻ sau dịch.
Thị trường hàng không nội địa vẫn đang “ngủ đông” do giãn cách xã hội. NGỌC THẮNG
Không còn chạy đua giảm giá?
Gần 1 năm chưa về quê do dịch bệnh, chị Vân (kế toán tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đang ngóng từng ngày khi đại dịch Covid-19 kết thúc để về Thanh Hóa thăm bố mẹ ruột đã nhiều tuổi. Từng phải “né” chuyến bay về vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán do giá vé quá cao, nhưng rồi dự định về quê vào dịp hè năm nay kéo dài thêm mãi do dịch.
“Nghe mọi người nói giá vé máy bay có thể sắp tăng tôi thấy lo. Bình thường chi phí đi lại mỗi dịp về quê của cả nhà 4 người cũng gần 10 triệu. Xin nghỉ hết phép năm cũng chỉ được 10 ngày, nếu đi tàu thì riêng thời gian đi lại cũng đã tốn hơn 3 ngày, đi máy bay thì rút ngắn được nhiều thời gian, nhưng giá vé cao thì sợ lo không nổi”, chị Vân chia sẻ.
Theo đề xuất của Cục Hàng không, sẽ áp mức giá sàn tối thiểu 320.000 đồng/vé với chặng bay ngắn nhất và 750.000 đồng/vé với chặng bay dài nhất. Ước tính cộng thêm mức phí các hãng đang thu (gồm thuế giá trị gia tăng, phí quản trị/hệ thống, phí sân bay, phí an ninh soi chiếu, phụ thu dịch vụ xuất vé, phí thanh toán) khoảng 400.000 – 600.000 đồng tùy từng hãng và từng chặng bay. Giá vé rẻ nhất của chặng bay trục Hà Nội – TP.HCM, hay các đường bay du lịch hot như Hà Nội – Nha Trang, Phú Quốc… sẽ từ 1,35 triệu đồng/vé và cao nhất khoảng 4,3 triệu đồng/vé với hạng phổ thông cơ bản (không tính hạng thương gia).
Trong khi đó, để kích cầu thị trường “ngủ đông” sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, các hãng đã đua nhau khuyến mãi, giảm giá vé, chặng bay trục Hà Nội – TP.HCM cũng như các đường bay du lịch thời điểm tháng 4.2020 thậm chí có mức 600.000 – 700.000 đồng/vé. Nhờ vậy, mùa hè 2020 trở thành giai đoạn cao điểm bùng nổ của các hãng hàng không, ngành du lịch nội địa nhờ thế cũng được hưởng lợi rất lớn.
Nếu có giá sàn, sẽ không còn cuộc chạy đua giảm giá giữa các hãng, điều gì sẽ xảy ra với cả thị trường hàng không và du lịch? Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, giá vé tăng thêm sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, theo ông Hoan, có 3 điểm cần nhìn nhận: thứ nhất, vé 0 đồng hoặc vé siêu khuyến mãi vài chục nghìn đồng thường số lượng rất ít, rất ít khách hàng tiếp cận được. Các hãng cũng chỉ đua giảm vé 0 đồng hay 99.000 đồng… vào giai đoạn thấp điểm để kích cầu, khi thị trường đông khách cao điểm như hè, tết phần lớn đều không có vé giá rẻ.
Thứ hai, giá thấp có thể tốt cho người tiêu dùng lúc đầu, nhưng không tốt cho thị trường một cách lâu dài. “Cuộc chạy đua giảm giá vé về mức tối thiểu là cuộc cạnh tranh sống chết, vì giá vé khi đó thấp hơn giá thành rất nhiều, ông thì chết, ông sống được cũng bị thương, doanh nghiệp tồn tại được thì sẽ dẫn tới độc quyền, thị trường bị triệt tiêu cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ chịu bất lợi”, ông Hoan nói.
Thứ ba, ngành hàng không có thuận lợi hơn các loại hình khác về thời gian di chuyển ngắn, và tiêu chuẩn dịch vụ cao. Nhưng thực tế việc đưa giá vé xuống thấp hơn giá thành khiến đa số các hãng đều cắt giảm chất lượng dịch vụ theo hướng bỏ hẳn hoặc kém dần đi. Trong khi xu hướng người tiêu dùng hiện nay ngoài giá vé còn là chất lượng dịch vụ và an toàn bay.
“Việc áp giá sàn cần tính toán, có thể áp, nhưng áp theo tỷ lệ nào để người tiêu dùng vẫn có lợi”, ông Hoan đề xuất.
Sao không giảm phí, lại tăng giá vé?
Đầu tháng 5, Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) tăng phí quản trị hệ thống với tất cả các chuyến bay nội địa, theo đó, hành khách khi mua vé sẽ chịu khoản phí hệ thống 350.000 – 450.000 đồng/chặng (đã bao gồm VAT). Bamboo Airways cũng tăng phí quản trị hệ thống với khách lẻ lên 410.000 đồng/chặng và 460.000 đồng/chặng với vé đoàn. Mức phí hệ thống của Vietjet là 275.000 đồng/chặng.
Ngoài phí hệ thống này, giá vé máy bay nội địa còn bao gồm các khoản phí hãng thu hộ cho Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) gồm phí an ninh soi chiếu, phí sân bay (phí dịch vụ hành khách).
Về phía các hãng hàng không, có rất nhiều phí dịch vụ phải nộp cho ACV gồm phí đỗ sân bay, dịch vụ dẫn máy bay, dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất… Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, ACV đã giảm 7 loại phí dịch vụ thuộc thẩm quyền, song chỉ áp dụng trong 6 tháng, từ đầu tháng 3.2020 đến hết tháng 8.2020.
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thay đổi chính sách chung không nên chỉ vì có lợi cho một doanh nghiệp, mà ở đây là VNA.
“Người dân đã nghèo đi rất nhiều vì đại dịch, việc áp giá sàn chắc chắn sẽ làm tăng giá vé mà chịu ảnh hưởng trực tiếp là người dân. VNA đã nhiều lần đề xuất áp giá sàn, trong khi các hãng còn lại thì phản đối. Không thể vì lý do hồi phục cho VNA mà tước đi cơ hội mua vé giá rẻ của người dân, nhất là thị trường hàng không cũng như du lịch rất cần đà để phục hồi, kích cầu trở lại sau dịch”, ông Tống nói.
Chính sách giá sàn chưa phù hợp thông lệ quốc tế
Tháng 7 vừa qua, Vietnam Airlines kiến nghị mức giá sàn vé máy bay bằng 44% mức tối đa, thực hiện trong 36 tháng, song Cục Hàng không VN chỉ chấp thuận mức 20%. Lý do, 44% là mức cao nhất trong số các nước từng áp dụng, tương đương với mức giá cao nhất giường nằm khoang 4 điều hòa của tàu hỏa và gấp 2 lần giá vé ô tô, hạn chế tính cạnh tranh và khả năng khôi phục thị trường vận chuyển nội địa của các hãng. Cục này cũng đánh giá chính sách giá sàn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số nước đã từng áp dụng giá sàn đều gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá bán của các hãng hàng không. Đơn cử như Trung Quốc từng áp dụng giá sàn (bằng 44% giá tối đa) từ năm 2004, nhưng tới năm 2013 đã bỏ chính sách này.
|
Chuyên gia này cũng cho rằng hiện các hãng hàng không đều đã suy kiệt vì dịch kéo dài. Ngoài khoản vay ưu đãi cho VNA thì nhà nước cần xem xét các khoản vay ưu đãi cho các hãng tư nhân tương ứng với mức thuế đóng góp cho ngân sách những năm qua. Đặc biệt, ACV cần giảm các mức phí thu với hãng hàng không để chia sẻ trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, nhất là phí sân đỗ do phần lớn máy bay đều không hoạt động. Về phía hãng hàng không, hoàn toàn có thể giảm bớt mức phí quản trị/hệ thống, khi đó dù giá vé máy bay áp mức tối thiểu thì khách hàng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Trong văn bản gửi Cục Hàng không VN, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng và khách quan, do đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp hàng không.
Theo Mai Hà/TNO
Bình luận (0)