Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lỗ hổng kịch bản phim Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, có những thể loại phim mới mà các nhà làm phim Việt Nam muốn khai phá (như phim tiểu sử, zombie, du khảo – sinh tồn…), nhưng kịch bản yếu đã làm mong muốn đó phá sản.

Phim kịch bản “thuần Việt” thất thế

Những năm trở lại đây, điện ảnh Việt thường kiếm tiền nhờ vào những dự án phim mua bản quyền chuyển thể từ tác phẩm Hàn Quốc (đa số) và những quốc gia khác, với những bộ phim Việt hóa như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Sắc đẹp ngàn cân, Bằng chứng vô hình, Em là của em, Song song, Anh trai yêu quái…; chỉ tính trong năm 2022 có: Chìa khóa trăm tỉ, Nghề siêu dễ, Dân chơi không sợ con rơi… Chính sự phổ biến của các bộ phim Việt hóa này khiến người xem băn khoăn liệu có phải các biên kịch trong nước đang bế tắc ý tưởng; và nêu ý kiến đã đến lúc nhà làm phim trong nước phải tìm hướng đi mới với các kịch bản thuần Việt, không thể mãi chạy theo việc vay mượn kịch bản nước ngoài, để rồi bỏ quên những vấn đề, câu chuyện liên quan đến đời sống, văn hóa của chính mình.

Lỗ hổng kịch bản phim Việt  - ảnh 1

Kiều Minh Tuấn và Ngọc Trinh trong phim Duyên ma. Ảnh: ĐPCC

Thế nhưng trong khi đó, phần lớn những bộ phim làm từ kịch bản “thuần Việt” khi ra rạp lại thất bại thảm hại, như các phim mới đây là: Duyên ma có doanh thu 6,6 tỉ đồng, Người tình 1,1 tỉ đồng, 578: Phát đạn của kẻ điên hơn 3,5 tỉ đồng, Người lắng nghe 2,2 tỉ đồng, Maika – cô bé đến từ hành tinh khác 4,7 tỉ đồng, Qua bển làm chi 940 triệu đồng, Mưu kế thượng lưu 1 tỉ đồng… Tất nhiên phim thất bại vì nhiều yếu tố, nhưng khâu then chốt là kịch bản phim kém chất lượng, cấu trúc lộn xộn, nhiều “sạn” với cốt truyện đơn giản, nhạt nhẽo đến mức khó hiểu, vướng lỗi logic, lỏng lẻo ở nhiều chi tiết, lời thoại mang tính sách vở và tâm lý nhân vật chính thiếu chiều sâu ở cả hoàn cảnh, nội tâm…

Kịch bản yếu cũng đã làm phá sản các bộ phim theo thể loại mới mà gần đây các nhà làm phim Việt muốn khai phá như tiểu sử, zombie, du khảo – sinh tồn…. Phim Cù lao xác sống khởi chiếu tại rạp từ ngày 1.9, gây tò mò cho khán giả khi là phim Việt đầu tiên khai thác chủ đề xác sống (zombie) với bối cảnh miền Tây sông nước, nhưng lại khiến khán giả thất vọng, tạo thành làn sóng chê bai mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Hai bộ phim chân dung – tiểu sử Em và Trịnh, Trịnh Công Sơn ra mắt cùng thời điểm giữa tháng 6.2022 đã tái hiện nhiều giai đoạn trong cuộc đời cố nhạc sĩ cho thấy tâm huyết rất lớn của nhà làm phim, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của khán giả. Một phần vì kịch bản dàn trải, ôm đồm tình tiết, thiếu kết nối cho những mẩu chuyện nhỏ, đồng thời thiếu chiều sâu trong tổng thể câu chuyện.

Phim Rừng thế mạng chiếu đầu năm 2022 mở màn cho thể loại sinh tồn của điện ảnh Việt, với câu chuyện phượt thủ đấu tranh sinh tồn khi đi du lịch khám phá, nhưng câu chuyện mỏng, những tình tiết còn sơ sài, tâm lý nhân vật chưa đào sâu đến tận cùng… cũng khiến phim khó gây ấn tượng mạnh.

Lỗ hổng kịch bản phim Việt  - ảnh 2

Phim Cù lao xác sống bị chê nhiều ở kịch bản lỏng lẻo, ngô nghê

Đừng “làm phim bừa” khi kịch bản yếu

Thực tế tại Việt Nam, kịch bản phim Việt vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Dù vẫn có những khóa học ngắn hạn do cá nhân các đạo diễn kỳ cựu tổ chức, hay các cuộc thi tìm kiếm nhà biên kịch tài năng mở ra, nhưng vẫn còn “khoảng trống” lớn. Các nhà làm phim tên tuổi như Phan Đăng Di, Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn đều thừa nhận rằng điện ảnh Việt đang thiếu những kịch bản gốc chất lượng và nguồn cơn sâu xa bắt nguồn từ việc lực lượng biên kịch còn thiếu và yếu về kỹ năng xây dựng kịch bản, vốn sống, tầm nhìn.

Thấy kịch bản kém thì cần phải gia công thêm, mổ xẻ đến tận cùng sao cho hoàn thiện, rồi mới bắt tay làm phim. Chứ ai lại làm bừa như thế, khiến cho khán giả phát nản với phim Việt, rạp cũng không kinh doanh được.

Một chủ rạp phim

Tác giả

Một chủ rạp (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Ai cũng thấy những lý do tại sao phim Việt cứ thua lỗ mãi, 10 phim thì chỉ có 1 phim thắng, vậy mà các nhà sản xuất phim Việt chuyên nghiệp lại không nhận ra và vẫn tiếp tục đầu tư tiền vào những kịch bản kém chất lượng, để rồi xuất xưởng những phim nhận cả chỉ trích cả về chất lượng phim lẫn doanh thu thảm hại. Biên kịch yếu thì cần có sự đào tạo chính quy bài bản, chuyên nghiệp – đó là câu chuyện vĩ mô, chiến lược lâu dài cần phải có của nhà nước, nhưng khi thấy kịch bản kém thì cần phải gia công thêm, mổ xẻ đến tận cùng sao cho hoàn thiện, rồi mới bắt tay làm phim. Chứ ai lại làm bừa như thế, khiến cho khán giả phát nản với phim Việt, rạp cũng không kinh doanh được”.

Khán giả Lê Huy, một người theo dõi điện ảnh Việt lâu năm, nhận xét thẳng thắn: “Tôi thật sự thấy lạ khi hầu hết phim Việt ra rạp đều bị đánh giá kém ở khâu kịch bản, nhưng gần chục năm chẳng có thay đổi, vẫn quanh quẩn những kịch bản thiếu logic, rập khuôn, dễ đoán. Kỹ thuật, kỹ xảo làm phim tệ thì còn có thể hiểu do hạn chế về máy móc; nhưng chỉ với kịch bản, tình tiết chúng ta cũng kém hơn cả phim các nước cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines thì thật khó chấp nhận”.

Theo Phan Cao Tùng/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)