Vừa qua có một sự nhầm lẫn đáng tiếc trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2011-2012 ở một tỉnh miền Trung làm dư luận đặc biệt chú ý. Người ra đề thi ấy chắc chắn là thầy cô dạy văn. Sai sót này cho thấy lỗ hổng kiến thức đáng báo động ở đội ngũ người thầy.
Bây giờ phần lớn thầy cô giáo bận rộn đến độ không còn thời gian theo dõi thông tin thời sự, tự bồi dưỡng cập nhật kiến thức. Ai cũng hiểu “biết mười mới đem dạy một”, thế nhưng vẫn có những trường hợp vừa mới biết (mà chưa chắc đúng) đã đem dạy ngay. “Cái học ngày nay” chẳng biết có “hỏng” hay không. Nhưng “sự nhầm lẫn” của người thầy đã đến lúc xã hội cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.
Đó là chưa kể không biết bao nhiêu thầy cô đã từng nhiều lần nhầm lẫn trên bục giảng, liệu rằng học sinh có phát hiện được hay không? Rồi thì cái nhầm lẫn này nối tiếp cái nhầm lẫn khác, sinh ra “bé cái nhầm” ở thế hệ tiếp theo.
Đôi lần các em học sinh bộc bạch: Trong Năm điều Bác Hồ dạy học sinh thì “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là điều khó nhất. Biết đâu, điều này gắn bó quyền lợi thiết thân với học sinh nhiều nhất nên trở nên khó nhất (!?). Bởi lẽ sự trung thực sẽ không tìm thấy ở những nơi xài bằng giả, và sự trung thực sẽ trở thành món hàng xa xỉ trong báo cáo thành tích.
Ai sẽ là người dũng cảm, thật thà thừa nhận “tội”?
Hậu quả nghiêm trọng xảy ra nhiều, mọi người đều thấy, nhưng cuối cùng chẳng thấy ai… nhận “tội”.
Tuệ Hải
Bình luận (0)