Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lỗ hổng tạm nhập – tái xuất

Tạp Chí Giáo Dục

Vụ bắt giữ 2.000 tấn xăng dầu mượn hình thức tạm nhập – tái xuất để buôn lậu hồi cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân đang lợi dụng hình thức này để tiến hành buôn lậu, lũng đoạn thị trường. Nguy hiểm hơn, như thừa nhận của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lỗ hổng rất lớn của hoạt động kinh doanh hàng hóa tạm nhập – tái xuất chính là việc nhiều loại hàng hóa mà Việt Nam vốn cấm nhập khẩu cũng thông qua hình thức này để vào Việt Nam.

Hàng cấm, hàng độc hại ồ ạt vào nội địa

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), từ năm 2010 đến nay, hoạt động tạm nhập – tái xuất qua cảng Hải Phòng đi nước ngoài diễn ra phức tạp. Mặt hàng chủ yếu là hàng đông lạnh (thịt bò, chân gà, móng heo…), hàng thiết bị văn phòng cũ, nhựa phế liệu.

Trong đợt kiểm tra khám xét theo thủ tục hành chính của Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc và Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng vừa qua đối với 277 container quá thời hạn làm thủ tục hải quan đã phát hiện 139 container hàng khô là nhựa phế liệu, cao su, ắc quy chì đã qua sử dụng; 31container hàng đông lạnh có lẫn nội tạng như lòng bò, gà, dạ dày.

Riêng tại Cục Hải quan Hải Phòng, năm 2011, cơ quan chức năng đã phát hiện 6 vụ nghiêm trọng liên quan đến hàng kinh doanh tạm nhập – tái xuất với nội dung chủ yếu là khai sai tên hàng để vận chuyển hàng cấm như: chất thải có nguy hại đến môi trường, ắc quy chì đã qua sử dụng; phủ tạng gia súc, gia cầm…

Nhìn trên bình diện tổng thể, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thực hiện kế hoạch của ngành, từ tháng 6-2012 đến nay, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra đồng loạt hàng hóa tạm nhập – tái xuất ở khu vực cảng Hải Phòng cùng các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong đó đã rà soát, đưa vào giám sát tổng thể hàng quá hạn chưa làm thủ tục.

Kết quả, trong số 7.066 container với đa phần là hàng tạm nhập – tái xuất ở cảng Hải Phòng, cơ quan hải quan khám xét khoảng 3.000 container, đã phát hiện 195 container là hàng vi phạm như: nội tạng đông lạnh, hàng ắc quy chì, rác thải công nghiệp. Trong đợt kiểm tra này, cơ quan hải quan đã phát hiện trên 600 container hàng tạm nhập – tái xuất đang có dấu hiệu lẩn tránh đi không đúng tuyến đường. Trong đó, đáng chú ý là việc container chứa 254 tấn đường tinh đã bị phá kẹp chì niêm phong hàng hóa. Hiện Cục Điều tra chống buôn lậu đang truy tìm và vận động doanh nghiệp tự ra khai báo…

Những bất cập của các quy định hiện hành về hoạt động kinh doanh hàng hóa tạm nhập – tái xuất, theo ông Cẩn, chính là nghịch lý nhiều mặt hàng Việt Nam cấm nhập nhưng lại được phép kinh doanh theo hình thức tạm nhập – tái xuất và lưu lại tại Việt Nam đến 195 ngày. Điều này đã dẫn đến các hành vi vi phạm như buôn lậu, trốn thuế cũng như khiến các nguyên liệu, sản phẩm độc hại thẩm thấu vào thị trường nội địa gây nguy hại cho môi trường.

Khó kiểm soát buôn lậu xăng dầu

Cũng theo Tổng cục Hải quan, một trong những mặt hàng khó kiểm soát nhất hiện nay là hình thức kinh doanh tạm nhập – tái xuất xăng dầu. Khác với các mặt hàng như ô tô, xe máy… là tạm nhập lô nào thì tái xuất lô đó, mặt hàng xăng dầu có đặc thù là có các chủng loại khác nhau như xăng RON 92, 95, dầu DO… và đổ chung vào bồn chứa, không tách riêng nên gây nhiều khó khăn cho hải quan và lực lượng chức năng. Chính vì vậy, để có thể bắt giữ xăng dầu tái xuất hay tiêu thụ nội địa với đầy đủ chứng cứ là khó khăn.

Theo ông Cẩn, vụ việc bắt giữ điển hình 2.000 tấn xăng dầu lậu hồi cuối tháng 7 đã phản ánh điều đó: tàu Giang Châu 1 khi bị bắt giữ có hai quốc tịch Trung Quốc và Campuchia và trên tàu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp để sẵn sàng hợp thức hóa. Do vậy, nếu không bắt quả tang hành vi vi phạm thì không thể đấu tranh được. Trước sự phức tạp của việc quản lý mặt hàng này, ông Cẩn cho biết, Bộ Tài chính, Bộ Công an đã kiến nghị tạm ngừng tạm nhập – tái xuất xăng dầu qua đường biển.

Trước những bất cập của cơ chế quản lý hàng tạm nhập – tái xuất hiện nay, Bộ Tài chính đã có kiến nghị Chính phủ về các giải pháp tổng thể cho vấn đề này. Cụ thể, cần quy định rõ điều kiện doanh nghiệp được kinh doanh hàng tạm nhập – tái xuất theo hướng chỉ những doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về vốn, cơ sở vật chất, tuân thủ pháp luật mới được tham gia; rút ngắn thời gian hàng hóa kinh doanh tạm nhập – tái xuất được phép lưu giữ tại Việt Nam không quá 30 ngày; quy định chặt chẽ điều kiện, giới hạn cửa khẩu và tuyến đường vận chuyển, kho ngoại quan; ban hành danh mục cấm kinh doanh tạm nhập – tái xuất; tăng mức xử phạt với vi phạm quy định về tạm nhập – tái xuất…

Ngọc Quang (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)