Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lỗ hổng trong quản lý an toàn lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo đảm an toàn sử dụng lao động ở nước ta hiện nay.

Nơm nớp lo sợ

Theo số liệu, mỗi năm, cả nước có hơn 600 người chết vì TNLĐ. 80% số vụ TNLĐ xảy ra trong lĩnh vực xây dựng. Từ đầu năm đến nay, số người chết vì TNLĐ tiếp tục tăng. Vụ sập giàn giáo ở công trường xây dựng cầu cảng của dự án Formosa (Hà Tĩnh) làm 13 người chết, trên 30 người bị thương và nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng khác đã làm nhiều người phải sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Ngày 23-3, tại cơ sở kinh doanh gỗ ép trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM, anh Nguyễn Hoàng Lực (SN 1981, quê Đắk Lắk, trú quận Tân Bình), là công nhân làm việc tại cơ sở đã bị tử vong. Nguyên nhân được xác định là do số gỗ ép trong kho trượt và rơi xuống đã đè lên người anh Lực.

Tai nạn luôn “rình rập” ở những công trình xây dựng thiếu an toàn

TNLĐ không chỉ “rình rập” những công nhân đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở, các công trình mà nhiều người dân cũng phải gánh chịu tai nạn từ trên… trời rơi xuống. Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) làm 3 mẹ con chị C.T.V (ngụ Đồng Tháp) chết khi đang đi trên đường đã làm nhiều người bàng hoàng. Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là do sự cẩu thả của đơn vị thi công khi để xảy ra sự cố gãy cần cẩu. Vụ tai nạn nghiêm trọng trên công trường thi công hai dự án trọng điểm Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội khiến 1 người chết, 5 người bị thương và nhiều phương tiện hư hỏng cho thấy vấn đề mất an toàn lao động (ATLĐ) đã lên đến mức báo động. Điều dễ nhận thấy là TNLĐ đã tăng cả về số vụ và số người chết, đặc biệt là số người bị thương nặng và số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên. Các ngành nghề xảy ra nhiều tai nạn chết người nhất là khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh điện, cơ khí và chế tạo máy.

Nguy cơ tai nạn do sự mất an toàn từ những công trình lao động còn lan rộng ra cả khu vực xung quanh, gây bất ổn cho nhiều người. Công tác thanh tra, đình chỉ, kỷ luật các cá nhân và tập thể sai phạm vẫn được diễn ra sau mỗi vụ TNLĐ nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn tại nhiều công trình xây dựng, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Khảo sát tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM có thể thấy hình thức sử dụng công nhân tại các công trình này là do chủ nhà thầu tập hợp công nhân từ các nhóm cai thầu xây dựng. Đa phần công nhân đều làm việc một cách tự phát. Họ không được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, không biết đến bảo hiểm lao động là gì bởi nhiều lao động trong lĩnh vực xây dựng chỉ mang tính thời vụ, việc tập huấn về ATLĐ cho họ cũng chưa đầy đủ, thậm chí làm chiếu lệ cho xong. Bên cạnh đó, trách nhiệm đào tạo, phổ biến những kiến thức về ATLĐ thuộc về chủ đầu tư sử dụng lao động. Tuy nhiên, các quy định pháp luật lại chưa thật sự rõ ràng trong vấn đề này.

Cần đẩy mạnh chế tài

Phân tích về những lỗ hổng trong công tác quản lý ATLĐ hiện nay, TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho biết: “Xâu chuỗi các vụ TNLĐ xảy ra trong thời gian gần đây có thể thấy nhiều lỗ hổng trong công tác đảm bảo ATLĐ. Tại sao sau hàng loạt những vụ TNLĐ nghiêm trọng như vậy mà tình trạng này vẫn tiếp diễn. Về mặt pháp lý, những quy định, yêu cầu về việc đảm bảo ATLĐ đã được ban hành nhưng việc thực hiện của các bên liên quan lại khá lỏng lẻo. Khi sự cố xảy ra thì ít ai nhận ra lỗ hổng đó để mà khắc phục”. Rất nhiều câu hỏi cần được trả lời sau hàng loạt vụ TNLĐ đáng tiếc liên quan đến quy trình bảo đảm ATLĐ, trách nhiệm của chủ đầu tư, bộ phận tư vấn giám sát… “Trách nhiệm trực tiếp thuộc về chủ đầu tư xây dựng và các lực lượng thi công, giám sát ATLĐ. Tuy nhiên, mức xử lý nhẹ, thiếu sự rõ ràng trong chế tài đã dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm, coi thường pháp luật cũng như sinh mạng con người của cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công, bộ phận tư vấn giám sát. Bên cạnh đó, công tác hậu thanh tra xử lý cũng chưa thật sự hiệu quả. Điều này khiến cho các đơn vị doanh nghiệp thiếu sự nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định về ATLĐ”, TS. Phạm Sanh cho biết thêm.

Có thể thấy, từ các vụ TNLĐ trong thời gian qua, vấn đề đặt ra là cần phải có chế tài mạnh đối với các nhà thầu thi công ẩu, không bảo đảm sự an toàn cần thiết. Cần có sự kết hợp chặt chẽ trong việc thực hiện quy định quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

Bài, ảnh: Thục Quyên

“Bên cạnh đó, sự nhập nhằng trong công tác quản lý ATLĐ giữa Bộ Xây dựng và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dẫn đến sự chưa thống nhất. Việc này nên giao hoàn toàn cho Bộ Xây dựng để đảm bảo những tiêu chuẩn về chuyên ngành. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận lại cả hệ thống quản lý, giám sát về ATLĐ trên cả nước để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro cho người lao động” –  TS. Phạm Sanh nhấn mạnh.

 

Bình luận (0)