Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) ngay tình, giao dịch có hóa đơn chứng từ đầy đủ nhưng đến khi quyết toán thuế không được khấu trừ mới tá hỏa đó là hóa đơn bất hợp pháp. Không ít DN câu kết mua bán hóa đơn, đến lúc cơ quan thuế kiểm tra phát hiện hóa đơn đó bất hợp pháp,
DN đã bỏ trốn, dù DN có mã số thuế, có tên tuổi, chứng minh người đại diện trước pháp luật rõ ràng nhưng cơ quan chức năng không xử lý đến nơi đến chốn khiến vi phạm lây lan, ngày càng nhiều.
Quy định thoáng, xử lý chặt
Một DN chuyên tổ chức sự kiện ở quận Phú Nhuận bị phát hiện các hóa đơn mua vào trị giá hơn 8 tỷ đồng là hóa đơn bất hợp pháp, bị loại khi quyết toán thuế. Cụ thể, cán bộ thuế xác minh đó là hóa đơn do DN chưa đăng ký phát hành hóa đơn xuất; hóa đơn do DN đã bỏ trốn xuất… Thế nhưng, cách xử lý đối với các hóa đơn bất hợp pháp này của cán bộ thuế là lập biên bản và buộc DN phải nộp bổ sung 10% thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên số tiền ghi trong hóa đơn bất hợp pháp. Cán bộ thuế còn hứa sẽ “ấn định chi phí” những khoản chi trong hóa đơn bất hợp pháp.
Tưởng đó là trường hợp cá biệt, nào ngờ nhiều DN cũng kêu ca bị rơi vào tình thế tương tự. Một số DN giao dịch ngay tình, nhưng khi DN đối tác bỏ trốn thì họ là người gánh chịu hậu quả. Đây là một bất hợp lý! Anh Vũ Hồng Khanh (nhà ở Gò Vấp) kể, anh ký hợp đồng làm dịch vụ với một DN có mã số thuế đàng hoàng, được xuất hóa đơn có đóng dấu hợp pháp. Thế nhưng, vài năm sau thực hiện quyết toán thuế thì cán bộ thuế báo rằng hóa đơn này không hợp pháp vì DN đó xuất hóa đơn khi chưa đăng ký phát hành hóa đơn với cơ quan thuế. Lúc đó, anh mới tá hỏa, tìm đến DN đối tác để đòi bồi thường thì họ đã bỏ trốn. Cán bộ thuế đã loại hóa đơn đó, không đưa vào chi phí được khấu trừ, buộc chúng tôi phải nộp 10% thuế GTGT. “Chúng tôi vô cùng bức xúc vì việc DN đó có đăng ký sử dụng hóa đơn hay không, chỉ có cơ quan quản lý thuế mới biết, chứ chúng tôi làm sao biết được. Cán bộ thuế nói rằng muốn biết hóa đơn đó có hợp pháp hay không thì vào mạng của ngành thuế nhập mã số thuế của DN xuất hóa đơn để kiểm tra. Chúng tôi đã vào thử nhưng thật sự không thể truy cập được vì mạng liên tục bị treo hoặc bị nghẽn!”, anh Vũ Hồng Khanh nói. Ngay cả những hóa đơn (của bên bán) khi xuất, DN đó đang tồn tại hợp pháp (có mã số thuế, có đăng ký phát hành sử dụng hóa đơn) nhưng sau đó DN lại bỏ trốn, không kê khai thuế các hóa đơn đã xuất thì bên mua vẫn không được khấu trừ thuế. Điều này còn bất hợp lý hơn, bởi DN sau đó bỏ trốn là việc của DN với cơ quan quản lý nhà nước, phía bên mua đã thực hiện các hợp đồng, hóa đơn mua bán hợp pháp thì phải được khấu trừ, còn muốn xử lý DN bỏ trốn thì truy tìm, xử lý tùy mức độ vi phạm. Anh Nguyễn Huy Hoàng, quận 12 viện dẫn: Luật quy định hóa đơn bất hợp pháp là hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng hoặc hết giá trị sử dụng. Căn cứ theo quy định này thì hóa đơn do DN xuất sau khi đăng ký phát hành và trước khi bỏ trốn là hóa đơn hợp pháp. Thế nhưng, thực tế cán bộ thuế vẫn loại cả hóa đơn dạng này.
Dùng hóa đơn khống để khai thuế.
Bỏ sót người, lọt tội
Với quy định về hóa đơn bất hợp pháp như hiện nay, nhiều DN dù ngay tình khi giao dịch vẫn bị thiệt hại, trong khi họ không thể biết và không có khả năng biết DN đối tác đó có đăng ký sử dụng hóa đơn hay chưa, có ngưng sử dụng hóa đơn hay không… Hơn nữa, theo luật, nếu DN bỏ trốn, có hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thì phải bị xử lý hình sự, vậy tại sao cơ quan chức năng không dùng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với tội phạm? Cụ thể, việc truy tìm DN vi phạm rồi bỏ trốn là việc của công an nhưng ngành thuế và ngành công an không phối hợp tốt, dẫn đến DN vi phạm ngày càng nhiều và càng lộng hành.
Một vấn đề đáng báo động hiện nay là tình trạng DN “ma”, tức là các bên hợp tác thành lập DN mua bán hóa đơn để khai báo, quyết toán thuế rồi bỏ trốn. Phổ biến nhất ở những DN sử dụng dịch vụ với chi phí cao, hóa đơn hàng hóa mua vào không đủ khấu trừ dẫn đến số thuế phải nộp cao thì họ mua hóa đơn khống để nâng chi phí đầu vào. Do vậy, nhiều người bắt tay thành lập DN mới, bán hóa đơn khi không đăng ký sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế (hoặc có đăng ký nhưng xuất hóa đơn xong là bỏ trốn). Đáng lý ra, ngành thuế phải chuyển để ngành công an có trách nhiệm khởi tố vụ án, truy tố bị can là người đại diện trước pháp luật của DN (có tên, chứng minh nhân dân rõ ràng trong giấy đăng ký kinh doanh), nếu bị can bỏ trốn thì truy nã… Thế nhưng, ngành thuế chỉ buộc DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nộp thuế bổ sung, rồi dùng quyền “ấn định” chi phí. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế chỉ được ấn định khi DN không đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, hoặc nộp hồ sơ trễ 10 ngày sau ngày hết hạn khai thuế; khai thuế không chính xác, xuất trình không đầy đủ hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu bỏ trốn… chứ không có trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp mà được ấn định chi phí để được khấu trừ.
Sở dĩ cán bộ “thích” ấn định thuế là do có tình trạng cán bộ đến DN kiểm tra, thanh tra, quyết toán thuế nhưng chỉ liệt kê những vi phạm của DN mang tính hù dọa mà không ký vào biên bản. Sau đó nói bằng miệng về những thiệt hại, những dấu hiệu phạm tội, nhưng rồi nhẹ nhàng “mở” ra lối xử lý theo hướng… ăn chia! Do vậy, DN dù ấm ức nhưng thấy lối mở, đỡ phiền toái là hợp tác. Kết quả, hàng loạt hóa đơn bất hợp pháp do DN bỏ trốn để lại không chuyển đến cơ quan công an, hoặc chuyển nhưng cơ quan công an chưa làm hết trách nhiệm trong việc điều tra, truy tố tội phạm. Do không xử lý nghiêm nên DN “ma” được thành lập ngày một nhiều, bán hóa đơn rồi bỏ trốn, xong lại thành lập DN “ma” khác mà không bị xử lý gì. Đó chính là lý do tội phạm về hóa đơn ngày càng lộng hành.
Theo Cục Thuế TPHCM, từ thông tin do cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) về các giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng, năm 2014 Cục Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 105 DN, xử lý số thuế truy thu và phạt là 95 tỷ đồng. Trong đó có nhiều trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của các DN đã bỏ địa chỉ kinh doanh, đã giải thể, ngừng kinh doanh, DN mua bán hóa đơn. Cụ thể, các DN sử dụng việc thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, mua bán lòng vòng lẫn nhau nhằm mục đích điều chỉnh lợi nhuận thực tế tại DN trong hệ thống hoặc mua bán hóa đơn… Theo tài liệu của Tổng cục Thuế, hiện có rất nhiều DN nằm trong danh sách có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ, đã bỏ địa chỉ kinh doanh, đã giải thể, ngưng kinh doanh (120 DN trong tổng số 409 DN). Tuy nhiên, việc tiến hành xác minh, thanh tra, kiểm tra xử lý liên quan đến các hóa đơn còn nhiều khó khăn, cần sự kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn. |
HÀN NI
(SGGP)
Bình luận (0)