Hai bệnh nhân SXH nằm chung một giường (ảnh chụp tại khoa Nhiễm D BV Nhiệt đới sáng 13-1) |
“Mọi năm vào thời điểm này bệnh viện (BV) vắng lắm, đặc biệt là số bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) hầu như rất ít nhưng năm nay thì khác… Lúc nào cũng tấp nập người xuất viện, kẻ nhập viện”, TS-BS. Trần Trịnh Hiền – Phó giám đốc BV Nhiệt đới (TP.HCM) cho biết.
SXH trái mùa, hiểm họa ngày tết
Thông thường vào thời điểm này dịch bệnh SXH đã lắng xuống, song do năm nay thời tiết có nhiều thay đổi bất thường, nhất là mưa trái mùa khiến cho dịch bệnh không những không giảm mà còn có chiều hướng phức tạp. Mới hơn 10 ngày đầu năm 2009 mà BV Nhiệt đới đã tiếp nhận hàng trăm ca SXH người lớn.
Ghi nhận của chúng tôi ngày 13-1-2009 tại BV cho thấy có khoảng 150 bệnh nhân đang nằm điều trị. Theo quy định, bệnh nhân SXH chỉ nằm ở khoa Nhiễm D (bệnh nhân nam) và khoa Nhiễm C (bệnh nhân nữ) nhưng do quá tải nên bệnh nhân SXH còn được chuyển sang khoa Nội B. Tại khoa Nhiễm D có 5 phòng, mỗi phòng 10 giường nhưng có tới 60 bệnh nhân, do vậy nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, thậm chí còn phải nằm ghép hai người/giường. Khoa Nhiễm C và khoa Nội B, tuy không đến mức quá tải nghiêm trọng nhưng tất cả các giường bệnh đều kín bệnh nhân, khoa Nhiễm C phải kê thêm hai giường.
TS-BS. Hiền cho biết: “Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân, so với đầu năm 2008 thì tăng gấp đôi. Tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn cả là trước đây SXH ở người lớn thường xảy ra với những bệnh nhân 18 – 20 tuổi nhưng nay lại xảy với cả những người trên 40 tuổi, thậm chí có bệnh nhân đã 76 tuổi. Khi bị SXH nhiều bệnh nhân chủ quan cứ nghĩ chỉ bị cảm cúm sơ sơ nên đã tự điều trị bằng cách uống thuốc cảm cúm. Hậu quả là không ít bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Năm qua, trong số gần 10 ngàn bệnh nhân (người lớn) nhập viện có 5 bệnh nhân bị tử vong”.
Ngày 8-1, thấy ông C.M.H (Q.Thủ Đức) – 76 tuổi bỏ ăn, người nóng nên gia đình tưởng ông bị cảm cúm và ra tiệm mua thuốc cho ông uống. Uống hết 3 liều thuốc, bệnh của ông H. không những không giảm mà còn nặng hơn, đau nhức tay chân, ăn vào là ói ra. Ngày 10- 1, gia đình đưa ông H. tới BV Q.Thủ Đức và được các bác sĩ chuẩn đoán là SXH. Sau đó ông H. được chuyển lên BV Nhiệt đới, hiện tại sức khỏe ông H. đã tạm ổn…
Còn bệnh nhân H.T (Q.Bình Thạnh) – 45 tuổi nhập viện ngày 12-1 với các triệu chứng như sốt 40 độ, người mệt, xuất huyết dưới da. Trước đó, ngày 9-1, bà T. thấy mệt nên không đi làm. Buổi tối, bà kêu con chở tới một phòng mạch tư gần nhà khám và được chẩn đoán là sốt siêu vi. Bà T. mua thuốc về nhà uống, hai ngày sau bà phát hiện mình bị xuất huyết dưới da nên gia đình vội đưa tới BV Nhiệt đới. Tại đây bà T. được xác định là bị SXH và phải nhập viện gấp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các bệnh nhân đang nằm điều trị tại BV Nhiệt đới đều cư trú tại những “điểm nóng” về SXH của thành phố. Nhiều nhất là ở Q.8, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Hóc Môn… Mấy ngày nay, việc ngập lụt ở một số quận như Thủ Đức, Q.8 càng làm cho nguy cơ dịch bệnh SXH bùng phát vào những ngày tết là có thật.
“Năm nay mất tết”
Nhìn hai mắt chồng nhắm nghiền, lâu lâu lại rên “rét quá” rồi cuộn tròn người trong cái mền, chị Thảo (Q.8) xót xa: “Thế là năm nay mất tết”. Vợ chồng chị Thảo đều là công nhân của một công ty may trên địa bàn Q.8. “Ở khu nhà trọ của tụi tôi, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục người bị SXH phải nhập viện. Khu này nhiều muỗi lắm, nhà nào cũng phải sắm một cái vợt điện để diệt muỗi. Vợt đã đổi cả chục cái mà muỗi thì ngày càng nhiều, nhưng thuê nhà ở nơi khác thì không có tiền. Hồi tháng 7, tôi bị bệnh cũng nằm viện cả tuần, giờ lại tới phiên ông xã bệnh. Từ bữa ông ấy nhập viện đến nay, tôi cứ phải chạy đi chạy về nên không làm ăn được gì cả”, chị Thảo thở dài cho biết.
Anh Long (huyện Hóc Môn) có cha là bệnh nhân Đ.H.K (65 tuổi) đang nằm tại phòng E, khoa Nhiễm D tâm sự: “Nghe các bác sĩ nói người lớn tuổi mà bị SXH thì rất nguy hiểm nên tôi không dám rời cha nửa bước, lúc nào cũng túc trực bên cụ. Cha bệnh là tôi bỏ hết cả công việc ở cơ quan, còn quầy tạp hóa của vợ tôi đang mùa làm ăn cũng phải đóng cửa. Vợ tôi vừa phải lo đưa mấy đứa nhỏ đi học, vừa phải chạy tới chạy lui lo cơm nước cho tôi và cha. Thật là xui xẻo, cuối năm rồi còn phải nằm viện…”
Tại BV Nhi đồng I, II, số bệnh nhi SXH nhập viện cũng không giảm, khoảng 30 ca/ngày/BV. Tuy nhiên đáng báo động hơn là sự bùng phát của dịch bệnh tiêu chảy. Tại khoa Tiêu hóa của BV Nhi đồng I, II mỗi ngày phải tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi. Khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng II, từ đầu tháng 1-2009 đến nay, mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhi đến điều trị nội trú, trong đó có 80% là tiêu chảy cấp. Các bác sĩ ở đây cho biết, nguyên nhân số trẻ bị tiêu chảy nhập viện tăng là do hiện nay thời tiết khô lạnh nên thức ăn, đồ uống rất dễ nhiễm vi khuẩn.
Chị Hoa (Q.3), thân nhân bệnh nhi Ngọc A. (7 tuổi) nhập viện ngày 10-1 kể lại: “Chiều 9-1, khi tới trường đón con, tôi đã mua bò viên chiên bán trước cổng trường cho bé ăn. Đêm đó, bé kêu đau bụng và đi ngoài liên tục. Ngay sáng hôm sau tôi phải đưa bé tới BV Nhi đồng II khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy cấp và cho bé nhập viện. Chỉ còn mấy ngày nữa là đến tết, chưa mua sắm được gì, giờ lại phải nằm viện cùng con…”.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp Vụ y Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo: “Nguy cơ tiêu chảy cấp do ăn uống không đảm bảo vệ sinh trong những ngày tết là rất lớn. Do đó, người dân chỉ nên ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn lề đường…”.
Hòa Triều
Bình luận (0)