Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lo lắng khi có nhiều bộ sách giáo khoa

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh lớp 2 trong tiết học môn tiếng Việt. Ảnh: Anh Khôi

Vừa qua, đọc bài Viết và phát hành sách giáo khoa không phải việc làm của bộ của tác giả Tạ Quang Sum (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Khánh Hòa) trên một tờ báo, tôi nhận thấy tác giả có nhiều lý giải hay vì sao và sự cần thiết Bộ GD-ĐT chỉ cần ban hành chương trình giáo dục các bộ môn, kèm theo chuẩn kiến thức là đủ để nhà trường tiến hành giảng dạy. Bộ GD-ĐT cho phép tư nhân tổ chức phát hành sách, các nhà phát hành sẽ mời người viết sách, sau đó trình lên bộ thẩm định nội dung; như thế mỗi học sinh không nhất thiết phải mua trọn bộ sách đang học, sách tham khảo sẽ có giá trị và cần thiết hơn.
Là giáo viên có thâm niên trên 30 năm dạy cấp tiểu học, tôi từng được tập huấn, bồi dưỡng khi thay sách giáo khoa năm 1985 và 2000, cải cách chữ viết, chỉnh lý sách giáo khoa… Khi tập huấn thì người ta đưa ra nhiều tính ưu việt của nội dung chương trình sách, chữ viết vừa nhanh lại đẹp! Vì sao phải học nguyên âm e trước nguyên âm a, nhưng khi đi vào thực tế giảng dạy nhiều năm thì bộc lộ ra rất nhiều khiếm khuyết như nội dung trong sách quá tải với sức học của trẻ, còn mang tính hàn lâm, trích dẫn thơ văn sai theo văn bản gốc; từ ngữ trong sách giáo khoa thì thường dùng nhiều phương ngữ miền Bắc… Khi gặp các trường hợp này thì bạn đọc có thể phản ánh trực tiếp lên Bộ GD-ĐT hay các phương tiện truyền thông đại chúng vì biết ai là “chính chủ” viết và phát hành sách, để họ chỉnh lý lại cho chính xác hơn. Còn như ý kiến của tác giả Tạ Quang Sum cứ để cho tư nhân tự do phát hành sách giáo khoa mặc dù trước đó có đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định nội dung liệu có khả thi và đảm đương công việc được giao, có thật sự làm nổi và phát hiện ra các lỗi như tôi nói ở trên không? Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần thiết phải mời cho được đội ngũ giáo viên giỏi có năng lực và am hiểu viết sách tham gia viết bộ sách giáo khoa cho thật chuẩn, và học sinh trên cả nước thống nhất sử dụng một bộ sách duy nhất như từ trước đến nay là tốt lắm rồi. Bộ GD-ĐT hãy làm ngay bây giờ chứ ngồi tính cần bao nhiêu tỉ đồng để viết sách giáo khoa mới thì e rằng , đến năm 2020 cũng chưa xong. Bởi vì, trước hết muốn thay nội dung sách thì cần phải có người viết sách, mà người viết sách thì đang chờ mời viết sách và ngân sách chi phải được Quốc hội thông qua.
Trần Văn Tám (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

Bình luận (0)