Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lo lãng phí 70.000 tỷ đổi mới chương trình sách giáo khoa

Tạp Chí Giáo Dục

 Dự án 70.000 tỷ để thực hiện Đề án đổi mới chương trình – SGK phổ thông (CT-SGKPT) sẽ được đưa vào thực thi từ sau năm 2015, đang là mối quan tâm hàng đầu của dư luận với nhiều ý kiến hoài nghi…  
Thiếu sót kỹ năng sống?
Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xây dựng Đề án vì đã đến lúc phải đổi mới căn bản và toàn diện CT- SGK PT, không chỉ để khắc phục những thiếu sót của chương trình hiện hành, mà phải từng bước khai thác, lựa chọn, vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm đáp ứng “nhu cầu phát triển của xã hội” trong giai đoạn mới.

HS trong niềm vui khai trường

 Một trong những thiếu sót có thể thấy, đó là việc chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống chưa thực sự được chú trọng, trong khi chỉ tập trung theo hướng coi trọng trang bị kiến thức. Bộ cũng thừa nhận số môn học bắt buộc trong mỗi lớp học nhiều và nội dung thì chưa thiết thực và đảm bảo tính hiện đại. Đặc biệt, hiện tượng quá tải với cả học sinh và giáo viên được lý giải là do việc tích hợp các nội dung giáo dục vừa thiếu, vừa chưa khoa học.
Bộ GD-ĐT lý giải cho hạn chế của CT-SGK hiện hành là do việc xây dựng chương trình từ tiểu học đến THPT được thực hiện trong khi chưa xây dựng đề án tổng thể về đổi mới CT-SGK. Bởi vậy, Bộ đã đưa ra đề án đổi mới lần này cho giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn (Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT) định hướng lớn trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này sẽ quan tâm chủ yếu tới việc học sinh học được những gì. Chương trình mới được xây dựng theo hướng xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy. Theo đó, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; coi trọng rèn luyện kỹ năng sống.
Không nên “ chắp vá”
Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, việc Bộ GD-ĐT chưa trình được đề án cải cách, chiến lược phát triển giáo dục đến 2020 thì việc xây dựng CT-SGK mới không giải quyết được những bất cập hiện nay.
Quan điểm của PGS.Văn Như Cương thì thời điểm này, Bộ GD-ĐT chỉ nên nghĩ cách làm sao để CT-SGK hiện hành đỡ nặng, quá tải đối với học sinh, sẽ ít tốn kém hơn nhiều. Còn đi xây dựng một CT-SGK trong khi chưa thực hiện việc cải cách giáo dục thì chưa thể giải quyết được vấn đề gì, nếu không muốn nói là lãng phí vô ích.
Còn GS.Hoàng Tụy thì cho rằng, trước đây người ta hay nói đến cải cách giáo dục. Nhưng thời gian gần đây, người ta “tránh” nói từ này mà chỉ nói là “đổi mới toàn diện”. Trong Nghị quyết của Đảng cũng đã đưa ra vấn đề cải cách giáo dục. Nhưng ngành giáo giáo không làm mà chỉ có chủ trương đổi mới nên giáo dục mới rơi vào tình trạng trì trệ như hiện nay.
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 đã được Bộ GD-ĐT đưa ra bàn thảo từ lâu nhưng đến nay chúng ta đã có được gì? Giáo dục là một hệ thống, không thể sửa bộ phận này, còn bộ phận khác để nguyên. Nếu chỉ đổi mới cái này mà không đổi mới cái kia, tôi nghĩ đó vẫn chỉ là chắp vá.
Chúng ta phải thấy được điều bất cập của hệ thống là gì? Giải pháp đầu tiên phải giải quyết đó là cơ cấu của hệ thống giáo dục, không phải CT hay SGK. Giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và được vận hành như một hệ thống phức tạp mới có hy vọng tránh khỏi sai lầm, thất bại.
Lãnh đạo, quản lý giáo dục mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu một tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thể này, mai thế khác, đổi mới liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán.
Tuy nhiên, nói về “giáo dục toàn diện”, TS.Tùng Lâm (Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam) cho rằng, một trong những lạc hậu của nền giáo dục trong nước hiện nay là giáo dục cào bằng, không quan tâm đến năng lực thực sự của mỗi học sinh để có hình thức dạy học và khối lượng kiến thức đưa ra phù hợp. Vận động viên có năng khiếu về các động tác nhưng lại bắt học giỏi cả Văn, Toán thì rất khó.
Trên thế giới, giáo dục hiện nay triển khai theo hướng dạy năng lực tư duy còn ta lại chạy theo khối lượng kiến thức. Và một điều tôi cho rằng lạc hậu nhất đó là vẫn còn áp dụng cách dạy và học thuộc lòng, trong khi điều học sinh cần là được khơi gợi sáng tạo, tư duy thay vì học như một chú vẹt. Để tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, theo tôi cần giải quyết đồng bộ, trong đó có đổi mới CT-SGK.
“Dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông dự toán kinh phí 70.000 tỷ đồng, trong đó việc biên soạn CT-SGK dự kiến chi  hơn 960 tỷ. Số còn lại chi cho xây dựng cơ sở vật chất trường học, khoảng 35.000 tỷ; mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30.000 tỷ; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí hơn 390 tỷ…”
Theo Uyên Na
(phapluatvn) 

Bình luận (0)