Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Lo lắng tỉ lệ “ảo” của khối B

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối B không thấp, nhưng hầu như trường nào cũng lo lắng bởi kinh nghiệm của những mùa tuyển sinh trước cho thấy, tỉ lệ “ảo” của khối B rất lớn.

Bỏ thi
Do trượt giá nên năm nay, kinh phí các trường phải bỏ ra để thuê địa điểm thi cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với năm ngoái, đó là còn chưa kể đến việc chuẩn bị giấy tờ thi, đội ngũ giám thị… Vì thế, trường nào cũng phải tính toán rất kỹ về khâu tổ chức thi. Nhiều trường đã bị “lỗ” sau mỗi đợt thi ĐH, CĐ do nhiều thí sinh bỏ thi dẫn đến lãng phí kinh phí rất lớn.
Đặc biệt, đối với các trường có tổ chức thi khối B đều rất lo lắng mặc dù nhận được rất nhiều hồ sơ đăng ký dự thi.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận được 8.792hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 1.310, tỉ lệ chọi khoảng 1/6,71. ĐH Tây Nguyên nhận được 9.900 bộ hồ sơ đăng ký dự thi vào khối B, cao hơn cả khối A. ĐH Nông nghiệp Hà Nội nhận được 32.750 hồ sơ đăng ký dự thi khối B, trong khi khối A chỉ nhận được 18.183 bộ. ĐH Thái Nguyên cũng nhận được 22.000 bộ hồ sơ khối B…
Nhận được nhiều hồ sơ như vậy nhưng các trường luôn thường trực nỗi lo thí sinh bỏ thi. Lãnh đạo Trường ĐH Tây Nguyên cho biết, do khối B nằm ở đợt thi thứ 2 nên nhiều thí sinh sau khi làm tốt bài thi ở đợt 1 rồi thì bỏ luôn không thi đợt 2. Hoặc nhiều thí sinh sau khi nộp hồ sơ, thấy tỉ lệ chọi cao quá cũng… sợ nên bỏ thi luôn. Chính vì thế, năm nào số thí sinh bỏ thi cũng đều ở mức khá lớn. Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010 đợt 2 có gần 30% thí sinh bỏ thi, trong đó số thí sinh bỏ thi khối B chiếm không nhỏ.
Không dám lấy điểm chuẩn cao
Đối với những thí sinh thi cả 2 khối A, B thì hầu hết đều coi khối B là “dự bị”, kể cả khi trúng tuyển cả 2 khối rồi thì hầu hết các em đều chọn theo học khối A. Điều này đã dẫn đến tình trạng đỗ “ảo” của rất nhiều nhóm ngành khối B của các trường ĐH.
Ông Đoàn Văn Vệ – Trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2010, tỷ lệ dự thi của khối B đạt tới 80%, cao hơn tỷ lệ dự thi khối A. Nếu áp dụng cách tính điểm chuẩn như với khối A thì điểm chuẩn vào trường khối B phải từ 26 trở lên nhưng trường chỉ dám lấy điểm chuẩn 20 điểm. Với mức điểm này, số sinh viên trúng tuyển đạt gấp 3 so với chỉ tiêu nhưng con số sinh viên đến làm thủ tục nhập học thực sự chỉ đạt 1/3, xấp xỉ chỉ tiêu được giao.
Oái oăm hơn, mùa tuyển sinh trước, lo lắng thiếu hụt sinh viên nên ĐH Đà Nẵng lấy điểm chuẩn khối B thấp hơn nhiều so với thực tế điểm thi và tỉ lệ chọi, danh sách trúng tuyển khối B của ĐH Đà Nẵng đạt 250% chỉ tiêu, nhưng thực tế, số sinh viên đến nhập học vẫn không đủ so với chỉ tiêu được giao.
Năm 2010, ĐH Nông nghiệp Hà Nội cũng chỉ lấy điểm chuẩn khối B là 14,5 điểm. Viện ĐH Mở, ĐH Thái Nguyên… cũng chỉ lấy điểm chuẩn khối B xấp xỉ điểm sàn của Bộ GDĐT nhưng vẫn luôn trong tâm trạng lo lắng không tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều trường đã phải xét đến NV2, thậm chí cả NV3 mới đủ sinh viên.
Chính vì sự phập phù thi “ảo”, đỗ “ảo” mà mùa tuyển sinh nào cũng có sự lãng phí và vô lý đối với các nhóm ngành khối B. Hầu hết các trường đều nhìn thấy trước thực trạng này nhưng đến nay vẫn chưa có cách để “đối phó” cho thật sự hiệu quả.
Theo Nguyên Minh
(laodong) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)