Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

“Lò” luyện thi hạ nhiệt và sự thành công của đề thi

Tạp Chí Giáo Dục

Đã bước sang tháng 4 nhưng các “lò” luyện thi ở TP.HCM, Hà Nội… tỏ ra yên ắng. Thật khác với những năm trước, nhất là thời gian sau Tết thì… “đến hẹn lại lên”, các “lò” luyện thi ĐH chật ních sĩ tử, không khí luyện thi nóng lên từng ngày. Trên các phương tiện truyền thông cũng không còn thấy đề cập đến vấn đề mà lẽ ra rất thời sự vào các năm trước.

Thật ra, câu chuyện HS luyện thi là bình thường. Có thi cử thì có ôn luyện. Tuy nhiên, để ôn luyện trở thành một ngành “công nghiệp” có quy mô rầm rộ cả nước, tác động đến tận từng gia đình có con đi học thì đây là hiện tượng bất thường. Nó phản ánh một nền giáo dục có vấn đề, có khiếm khuyết. Các nhà giáo dục bắt mạch, phát hiện ra căn bệnh của nó là học để thi thay vì học để làm người.

Căn bệnh học để thi sinh ra biết bao hệ lụy. Phía HS học tủ, học lệch, xa rời thực tiễn; phía giáo viên truyền thụ một chiều, nhồi nhét, xơ cứng. Nền giáo dục chạy đua với thi cử, thành tích, xa rời thực học, bóp chết sáng tạo.

Nên rất mừng khi thấy “chảo lửa” ôn luyện thi nóng hầm hập ngày nào nay nguội dần qua từng năm và đến nay gần như trở lại bình thường. Hoạt động ôn tập, học thêm nay vẫn còn nhưng không căng thẳng, nặng nề như trước.

Vậy đâu là nguyên nhân làm giảm nhiệt các “lò” luyện thi? Vì học phí cao hơn? Vì học qua mạng trở nên phổ biến? Vì nhà trường tổ chức ôn tập tốt hơn?… Vâng, tất cả các nguyên nhân trên đều có, nhưng theo chúng tôi trong đó có nguyên nhân chính là do công tác đổi mới thi cử mà cốt lõi là đổi mới cách ra đề thi.

Theo các chuyên gia giáo dục, đề thi thế nào thì thi cử thế đó. Đề thi ra ngoài chương trình, mang tính đánh đố sẽ kéo thí sinh tới các “lò” luyện thi nhiều hơn. Đề thi ra theo hướng đóng thì càng khuyến khích thí sinh học vẹt, học “tủ”. Bởi vậy, đổi mới thi cử phải bắt đầu bằng đổi mới đề thi. Đề thi mới không đặt nặng vấn đề học thuộc lòng một cách máy móc, tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống; kiến thức đề thi nằm trong chương trình, không đánh đố HS.

Các nhà giáo tâm huyết đã tìm ra chìa khóa của vấn đề và các nhà quản lý giáo dục đã biết nắm lấy. Chủ trương đổi mới cách ra đề thi được đánh dấu bằng một chỉ thị của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ban hành đầu năm học 2009-2010. Tinh thần đổi mới này được phổ biến rộng rãi đến tận các sở GD-ĐT và truyền đạt đến từng trường phổ thông. Theo đó, nhà trường phải đổi mới cách ra đề, từ kiểm tra 15 phút, một tiết đến kiểm tra học kỳ. Nội dung kiểm tra theo hướng hiểu kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, rèn luyện khả năng tự học; đồng thời phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của HS, hạn chế lối học tủ, học vẹt.

Đến nay, qua sáu kỳ thi đổi mới, dư luận đánh giá rất cao công tác ra đề thi. Đề thi bám sát chương trình nhưng vẫn lồng vào được tình hình thời sự đất nước. Đề thi buộc người học phải tư duy, tổng hợp những kiến thức đã học để lý giải về một vấn đề kinh tế, xã hội. Với dạng đề thi này tình trạng “phao thi” đã giảm hẳn. Không chỉ kéo giảm thí sinh tới các “lò” luyện thi, đổi mới công tác đề thi mà còn thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường, tiến tới làm thay đổi về chất của nền giáo dục nói chung. Đó cũng là mục tiêu nhằm thực hiện tốt đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.

Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)