Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lo mất trắng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Tạp Chí Giáo Dục

Mỹ, Đức, Anh, Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản đã từ chối đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột vừa phát hiện nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” bị một số tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ từ trước.
Sáu nước từ chối bảo hộ
Nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng bạ dưới hình thức tên gọi xuất xứ hàng hóa, nay là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, vào tháng 10-2005. Tuy nhiên, sau khi bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” tại nước này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đại diện đứng tên khiếu kiện đòi lại thương hiệu, đồng thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” ra các nước dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và các hình thức bảo hộ khác theo luật của các quốc gia.
 
Doanh nghiệp lo lắng trước việc nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài đăng ký bảo hộ
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Văn phòng Luật sư Phạm và Liên doanh nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tại 17 quốc gia. Đến nay, các nước đã chấp nhận đăng ký bảo hộ có Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Singapore. Còn Mỹ, Đức, Anh, Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản từ chối đăng ký bảo hộ. Thậm chí, Anh đã thông báo từ chối lần 2 sau khi phía Việt Nam nộp đơn phản đối việc từ chối lần 1.
 Ngoài ra, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phát hiện nhãn hiệu “Cafe Ban Me Thuot” đã bị Công ty Rice Field Corporation nộp đơn đăng ký bảo hộ vào ngày 4-8-2003 tại Mỹ, Công ty Starbucks Copporation đã đăng ký bảo hộ vào ngày 4-3-1998 tại Canada. Riêng tại Hàn Quốc, ông Lee Mi Hyang đã đăng ký nhãn hiệu trong đó có từ “Buon” cho nhóm 30 sản phẩm cà phê vào ngày 6-1-2005.
Nguy cơ bị kiện ngược
Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, để phản đối hoặc khiếu kiện đạt hiệu quả, Việt Nam phải cung cấp được bằng chứng xác thực về việc sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu Buôn Ma Thuột đã có mặt tại Mỹ, Canada, Hàn Quốc trước ngày các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ tại quốc gia đó. Tuy nhiên, do thiếu những bằng chứng thuyết phục nên muốn lấy lại thương hiệu chỉ còn cách thương lượng và mua lại.
Ông Trịnh Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết: Hiện nay, ngành cà phê trong nước chưa bị ảnh hưởng nhiều khi nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký bảo hộ ở một số nước do Việt Nam chưa xuất khẩu cà phê sang các nước dưới nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này vô cùng nguy hiểm vì không chỉ làm cho người tiêu dùng hiểu sai về xuất xứ cà phê mà còn đứng trước nguy cơ bị các tổ chức, cá nhân đã đăng ký khởi kiện ngược lại các sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu Buôn Ma Thuột.
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển An Thái, lo ngại: Phần lớn các sản phẩm cà phê hòa tan của công ty đều xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trong khi đó, công ty đang hoàn tất hồ sơ để được xuất khẩu dưới nhãn mác cà phê Buôn Ma Thuột cho nên rất dễ bị phía đơn vị đăng ký bảo hộ trước đó khởi kiện.
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết trước mắt sẽ tiếp tục làm đơn phản đối gửi các nước. Riêng các nước đã đăng ký nhãn hiệu có từ “Buon” hoặc “Buon Ma Thuot”, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép dừng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” mà chuyển sang đăng ký bảo hộ một nhãn hiệu khác không có từ Buôn Ma Thuột.
Về lâu dài, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ thông qua Ủy ban châu Âu đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, đăng ký theo hình thức này đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu về chỉ dẫn địa lý khá phức tạp. Thậm chí, nước ta phải chứng minh được những điểm khác biệt về hương vị cà phê Buôn Ma Thuột so với các vùng khác trên thế giới. 
Ít cà phê xuất khẩu mang nhãn hiệu Buôn Ma Thuột
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã cấp chứng nhận cho 10 đơn vị được quyền sử dụng nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột khi xuất khẩu với diện tích hơn 11.000 ha, sản lượng trên 30.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk xuất được 1.200 tấn dưới nhãn mác là cà phê Buôn Ma Thuột.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)