Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lo mía mất giá!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vụ mía đường 2009-2010, nông dân ĐBSCL được mùa, trúng giá với mức kỷ lục 1.450 đồng/kg (cuối vụ). Bước vào vụ mía mới 2010-2011, nông dân đổ xô trồng mía với niềm lạc quan sẽ tiếp tục một mùa mía “ngọt”. Thế nhưng, mọi chuyện lại đang diễn ra theo chiều hướng xấu dần.

Phấn khởi đầu vào

Người trồng mía ở ĐBSCL đang thắc thỏm lo âu đầu ra cho vụ mía năm nay

Đến thời điểm này, nông dân ĐBSCL đã trồng khoảng 55.000ha mía, tăng 3.000ha so với niên vụ 2009-2010 và có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, tại Hậu Giang, địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL, dự kiến diện tích mía năm nay khoảng 14.000ha, tăng hơn 1.000ha so với năm 2009.
Trong đó, vùng nguyên liệu mía tại huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục trồng với diện tích gần 10.000ha. Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Vụ trước, giá mía cao nên nhiều người rất phấn khởi tăng diện tích trồng mía”.
Trong khi nông dân huyện Phụng Hiệp bỏ lúa trồng mía thì nông dân ở xã Hỏa Lựu, thị xã Vị Thanh lại phá vườn dâu xanh 8 – 10 năm tuổi cũng để trồng mía. Ông Bảy Thanh ở xã Hỏa Lựu nói: “Đốn bỏ 5.000m2 vườn dâu 8 năm tuổi cũng tiếc lắm nhưng không thể bám lấy cây cho thu nhập quá thấp”.

Ông Nguyễn Văn Thu, cũng ở xã Hỏa Lựu, đã hạ vườn dâu 2.000m² để trồng mía vì cho rằng với diện tích dâu ấy thu hoạch một năm chưa đầy 2 triệu đồng thì làm sao sống nổi. Trong khi đó, chỉ cần niên vụ tới, mía trúng giá thì 1.000m² đất trồng mía bằng 5.000m2 đất trồng dâu…
Tại nhiều địa phương khác, tình hình cũng tương tự. Nhiều nông dân ở tỉnh Sóc Trăng đã phá vườn cam để trồng mía. Ông Sáu Thanh, ngụ ấp Hưng Phú, Long Hưng, Mỹ Tú (Sóc Trăng), nói: “Thấy bà con trồng mía thu lãi ròng trên 60 triệu đồng/ha nên tôi đã đốn hơn 5.000m² đất trồng cam sành đã già chuyển sang trồng mía.
Vụ mía mới này chỉ cần giá 800 đồng/kg tại ruộng thì thu về cả vốn lẫn lãi khỏe re”… Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống ước đạt khoảng 13.000ha, tăng khoảng 1.000ha.
Nỗi lo đầu ra
Tràn ngập đường ngoại
Theo báo cáo từ Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối, hiện tại lượng đường tồn kho tại các doanh nghiệp gần 300.000 tấn.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho biết những tháng gần đây, sức tiêu thụ đường giảm mạnh, chỉ còn khoảng 60.000 tấn/tháng (bình thường khoảng 100.000 tấn).
Với tình trạng này, rất khó tiêu thụ hết lượng đường tồn kho vì cuối tháng 8 đầu tháng 9 tới, vụ mía mới sẽ bắt đầu thu hoạch.
Với tình trạng hàng tồn kho lớn, tiêu thụ đang gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu mua mía sắp tới. Các nhà máy đường sẽ chỉ mua mía cầm chừng, thương lái sẽ ép giá nông dân là điều khó tránh khỏi…
Ông Hà Hữu Phái, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết nguyên nhân dẫn đến lượng hàng tồn kho quá lớn là do đường nhập lậu về nhiều vì giá đường trên thị trường thế giới hiện nay giảm chỉ còn khoảng 500 USD/tấn (chưa đến 10.000 đồng/kg). Ước tính mỗi ngày, hàng lậu về 100 – 200 tấn, có ngày lên đến 400 – 500 tấn…
Tuy nhiên, gần đây, thông tin giá đường trong nước đang giảm do nhiều nguyên nhân khiến người trồng mía không khỏi lo âu. Những người chuyên canh cây mía nhiều năm cho rằng diện tích mía tăng như vậy thì khả năng mía rớt giá là rất cao.
Vì vậy, hiện tại chuyện đầu tư phân bón, công sức cho cây mía không được quan tâm đúng mức.
Ông Lê Văn Chiêu, ở xã Vị Tân, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, có 5 công đất trồng mía. Thu nhập chính của gia đình ông từ trước đến giờ đều nhờ vào cây mía.
Năm rồi mía tăng giá, gia đình đạt lợi nhuận cao. Tuy nhiên, vụ mía năm nay, ông đang lưỡng lự không biết có nên bón phân như vụ trước hay không.
Ông nói: “Nông dân đổ xô trồng mía khiến viễn cảnh thừa mía như trước đây rất có thể sẽ xảy ra. Trong khi đó, giá phân bón tăng cao nên việc đầu tư cho cây mía đang phải cân nhắc. Nếu không tính toán kỹ sẽ lỗ hoặc hiệu quả không cao”.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết 3 nhà máy đường ở Hậu Giang nếu hoạt động đủ công suất sẽ cần vùng nguyên liệu 15.000ha.
Tuy nhiên, các nhà máy cần phải có kế hoạch bao tiêu để nông dân sản xuất bảo đảm có lãi.
Sở NN – PTNT tỉnh đã khuyến cáo nông dân nên phá bỏ vườn tạp và san bằng đất trồng tràm kém hiệu quả sang trồng mía là tốt. Nhưng việc nông dân tự phá vườn dâu, sầu riêng… hoặc bỏ lúa trồng mía lại là không nên…
HẠ VY – NLĐ


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)