Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lo ngại “bệnh ngoại”, lóng ngóng “bệnh nội”

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ khám cho trẻ tại Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế vừa thông báo, nước ta đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Trong đó có nhiều “bệnh ngoại” đang lăm le “nhập cảnh” vào Việt Nam.
Hiện nay trên thế giới đang “nóng” với bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực Trung Đông (MERS-CoV). Đến nay, MERS-CoV đã ghi nhận tại 17 quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông, châu Âu, châu Á và Mỹ với 496 trường hợp nhiễm, trong đó có 93 trường hợp tử vong. Hiện chưa phát hiện ca bệnh tại Việt Nam, nhưng không thể loại trừ các trường hợp du khách quá cảnh đi qua khu vực Trung Đông về rồi sang Việt Nam. Nhất là khi một số nước trong khu vực như Malaysia, Philippines đã có các trường hợp mắc bệnh sau khi trở về từ Trung Đông. Khó khăn trong việc ứng phó với MERS-CoV là chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, xuất hiện các trường hợp không có triệu chứng, dẫn đến khó kiểm soát và làm tăng khả năng lây lan trong cộng đồng.
Cúm A (H7N9), từ đầu năm đến nay ghi nhận trên thế giới (chủ yếu tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia) 285 ca mắc. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta rất cao. Bên cạnh cúm A(H7N9) là cúm A(H5N1), từ đầu năm 2014 đến nay thế giới ghi nhận 13 trường hợp nhiễm, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Việt Nam có 2 ca mắc và đều tử vong. Nước láng giềng Trung Quốc cũng vừa xuất hiện một loại cúm mới – cúm A(H5N6).
Thời điểm hiện nay, nước ta đang loay hoay phòng chống một số bệnh truyền nhiễm. Đầu tiên phải kể đến bệnh sởi. Đến nay cả nước ghi nhận 4.272 trường hợp mắc sởi xác định trong số 17.102 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 138 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi. Và hiện nay khi số ca mắc sởi có xu hướng giảm thì bệnh tay chân miệng bắt đầu vào đỉnh dịch. Đến thời điểm này, cả nước đã có 18.659 trường hợp mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Số ca mắc tập trung ở khu vực miền Nam với 15.024 trường hợp (chiếm 80,5%). Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine dự phòng. Trong khi đó điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường ở nhiều địa phương chưa tốt nên có khả năng dịch sẽ bùng phát trong thời gian tới.
Ngoài tay chân miệng thì ngành y tế cũng đang phải đối mặt với bệnh sốt xuất huyết. Đến nay cả nước có khoảng 8.200 trường hợp mắc tại 41 tỉnh/thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Gần 84% số mắc tập trung ở khu vực miền Nam như TP.HCM, Bình Dương… Bộ Y tế nhận định, bắt đầu mùa mưa (tháng 5) là thời điểm vào mùa dịch. Hiện bệnh chưa có thuốc và vaccine điều trị đặc hiệu, đồng thời tại nhiều địa phương vẫn còn tập quán trữ nước ở lu nên nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)