Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lo ngại dùng thép nhiễm phóng xạ để xây nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Trước nguy cơ sắt thép nhiễm phóng xạ có thể được tái chế để phục vụ xây dựng nhà cửa, Việt Nam cần sớm đưa vào hệ thống giám sát phóng xạ ở các cơ sở thu mua, tái chế sắt thép phế liệu.

Lo ngại dùng thép nhiễm phóng xạ để xây nhà
Ảnh minh họa

Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, ở Đài Loan từng xảy ra sự cố dùng sắt thép tái chế nhiễm phóng xạ để xây nhà, sau đó phải đập bỏ tòa nhà vì phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, trước nguy cơ sắt thép nhiễm phóng xạ có thể được tái chế để phục vụ xây dựng nhà cửa, Việt Nam cần sớm đưa vào hệ thống giám sát phóng xạ ở các cơ sở thu mua, tái chế sắt thép phế liệu.

Trước đó, từ 1/10/2016, các cơ sở sử dụng các nguồn phóng xạ di động nguy hiểm ở Việt Nam phải lắp thiết bị giám sát 24/7 để theo dõi, giám sát, kiểm tra. Tuy nhiên, theo ông Vương Hữu Tấn, đây mới là một trong những nội dung giám sát an toàn phóng xạ ở Việt Nam. Một nội dung quan trọng khác là giám sát phóng xạ ở các cơ sở thu mua sắt thép phế liệu, các nhà máy tái chế sắt thép phế liệu. Ông Tấn cho biết, ở Việt Nam có nhiều cơ sở nhập khẩu, thu mua sắt thép phế liệu, nhiều nhà máy tái chế sắt thép phế liệu. Tuy nhiên, việc giám sát phóng xạ của các loại sắt thép được nhập khẩu để tái chế rất ít, ví dụ như Đà Nẵng, năm 2015 nhập hơn 500 tấn sắt thép phế liệu nhưng không được giám sát phóng xạ. Trong các cửa khẩu ở biển cũng mới có Vũng Tàu là có nguồn giám sát phóng xạ.

Theo ông Tấn, các nhà máy tái chế sắt thép quy mô lớn có thể có kiểm tra phóng xạ nhưng nhiều cơ sở tái chế thủ công, quy mô nhỏ thì chưa có. Nếu chẳng may sắt thép ở vùng nhiễm phóng xạ Fukushima, Nhật Bản (nơi xảy ra thảm họa phóng xạ năm 2011-PV) vào Việt Nam. Sắt thép ấy được tái chế rồi dùng xây dựng nhà cửa thì nguy hiểm biết chừng nào, có thể phải phá bỏ cả tòa nhà, rất tốn kém và phức tạp, nghiêm trọng nhất là người dân ở các tòa nhà có thể bị ảnh hưởng phóng xạ. Chính vì vậy, theo ông Tấn, Việt Nam cần cấp bách đưa vào hệ thống giám sát phóng xạ ở các cơ sở thu mua sắt thép, các nhà máy tái chế sắt thép.

Trước đó, Thông tư 19 năm 2012 của Bộ KH&CN về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng cũng quy định, các tổ chức và cá nhân thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, tiêu thụ và tái chế phế thải kim loại, phôi thép có trách nhiệm theo dõi, phát hiện chất phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ và các nguồn phóng xạ lẫn trong phế thải kim loại, trong phôi thép bán thành phẩm. Ngoài ra, phải báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân nếu phát hiện chất phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ và các nguồn phóng xạ lẫn trong phế thải kim loại, trong phôi thép bán thành phẩm.

Ông Tấn cũng cho biết hiện nay đã đặt hàng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu, chế tạo thiết bị giám sát phóng xạ ở các cơ sở thu mua sắt thép phế liệu, các nhà máy tái chế sắt thép phế liệu để tăng cường giám sát, giảm nguy cơ sắt thép phế liệu nhiễm phóng xạ được đưa vào trong xây dựng nhà cửa. Đề tài nghiên cứu này đã đưa vào Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước 2016-2020.

Nguyễn Hoài (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)