Viện trợ nhân đạo không thể tiến đến phía bắc Gaza suốt nhiều ngày dẫn đến lo ngại nạn đói, trong khi việc đàm phán về lệnh ngừng bắn vẫn gặp nhiều trở ngại.
Người dân chờ hàng viện trợ ở phía bắc Gaza hôm 26.2. AFP
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo nạn đói sắp xảy ra ở phía bắc Dải Gaza, nơi không có nhóm nhân đạo nào có thể cung cấp viện trợ kể từ ngày 23.1, trong bối cảnh xung đột Hamas – Israel tiếp diễn, theo AFP đưa tin ngày 28.2.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Phó giám đốc điều hành WFP Carl Kau nói rằng nạn đói đang trước mắt ở bắc Gaza nếu không có gì thay đổi.
Quan chức phụ trách Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) Ramesh Rajasingham cũng cảnh báo về nạn đói lan rộng là điều "hầu như không thể tránh".
"Ít nhất 576.000 người ở Gaza, một phần tư dân số, một bước nữa là đến nạn đói, với một trong 6 trẻ em dưới 2 tuổi ở phía bắc Gaza bị suy dinh dưỡng cấp tính và hao mòn sức khỏe", ông Rajasingham lo ngại.
Theo bà Maurizio Martina, Phó tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), khoảng 97% nước ngầm ở Gaza "được cho là không phù hợp để con người sử dụng" và sản xuất nông nghiệp đang bắt đầu sụp đổ.
Một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho hay viện trợ đã sẵn sàng và đang chờ ở biên giới, với gần 1.000 xe tải chở 15.000 tấn lương thực ở Ai Cập.
Tuy nhiên, theo phát ngôn viên OCHA Jens Laerke, lực lượng Israel ngăn chặn việc tiếp cận tại Gaza "một cách có hệ thống" và chuyến viện trợ gần đây nhất đến bắc Gaza là vào ngày 23.2.
Israel phủ nhận việc hạn chế hàng viện trợ và đổ lỗi cho các tổ chức nhân đạo hoạt động bên trong Gaza, khi nói rằng hàng trăm xe tải chở đầy hàng viện trợ không hoạt động ở Gaza. Các nhân viên Liên Hiệp Quốc cho biết không phải lúc nào họ cũng có thể tiếp cận được các xe tải ở cửa khẩu vì đôi khi quá nguy hiểm.
Hy vọng ngừng bắn
Liên quan hy vọng ngừng bắn ở Gaza, Israel và Hamas cũng như các nhà hòa giải Qatar đều tỏ ra thận trọng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông tin rằng có thể đạt được lệnh ngừng bắn trong vòng chưa đầy một tuần để tạm dừng xung đột trong tháng Ramadan.
Hamas đang cân nhắc một đề xuất, được Israel đồng ý tại cuộc đàm phán với các nhà hòa giải ở Paris (Pháp) vào tuần trước, về một lệnh ngừng bắn kéo dài 40 ngày, dự kiến là lệnh ngừng bắn kéo dài đầu tiên sau cuộc chiến kéo dài 5 tháng. Cả 2 bên đều có phái đoàn đến Qatar trong tuần này để thảo luận chi tiết.
Phát biểu trên Đài NBC, ông Biden cho biết Israel đã đồng ý ngừng giao tranh ở Gaza vào tháng Ramadan, dự kiến bắt đầu vào ngày 10.3.
Tổng thống Biden (trái) trả lời phỏng vấn trên Đài NBC. REUTERS
Trong khi đó, người phát ngôn của chính phủ Israel Tal Heinrich cho biết bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào ở Gaza vẫn sẽ yêu cầu Hamas từ bỏ "những yêu cầu kỳ quặc".
Qatar, nước đóng vai trò hòa giải chính, cho biết vẫn chưa đạt được bước đột phá.
"Chúng tôi chưa đạt thỏa thuận cuối cùng về bất kỳ vấn đề nào đang cản trở việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Chúng tôi vẫn hy vọng rằng chúng tôi có thể đạt được một số thỏa thuận", theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al Ansari.
Reuters dẫn lời 2 quan chức cấp cao của Hamas cho rằng nhận xét của ông Biden có vẻ quá sớm. "Vẫn còn những khoảng trống lớn cần được khắc phục", một quan chức cho biết.
Theo Khánh An/TNO
Bình luận (0)