Nắm bắt tâm lý bất an của người tiêu dùng trước sự đổ bộ ồ ạt của đồ uống thức ăn thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, người bán đủ mọi thành phần đang tìm cách kinh doanh bằng các loại đặc sản tự làm nhất là vào dịp lễ tết. Tuy nhiên, thực tế có thể rước họa vào thân vì không phải loại thực phẩm nào tự làm cũng đảm bảo chất lượng hoàn hảo như lời rao trước đó.
Người tiêu dùng đừng quá tin vào những lời rao thiếu kiểm chứng |
Tin tưởng qua lời rao người quen
Không ít vụ ngộ độc thực phẩm và những căn bệnh nguy hiểm đã gây hoang mang cho người tiêu dùng đối với các thực phẩm ướp tẩm hóa chất, quá hạn sử dụng. Để tránh những “kẻ thù” giấu mặt đó, người tiêu dùng đang thay đổi thói quen mua sắm ngoài lề đường, vỉa hè để tránh xa các loại nguyên liệu chế biến món ăn “bẩn”. Những cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm đã giúp người tiêu dùng “sáng mắt” trong việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, nuôi trồng tự nhiên và nói không với các loại đồ ăn thức uống không rõ nguồn gốc. Đánh vào tâm lý lo lắng đó, hiện nay nhiều người đã có sáng kiến kinh doanh các mặt hàng lấy tận gốc trồng tại chỗ để trấn an người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua các loại thực phẩm.
Trong bữa liên hoan Tết dương lịch tại khu nhà trọ trên đường Thiên Hộ Dương, P.1, Q.Bình Thạnh dù có nhiều món ăn mỹ vị cao lương nhưng nhiều thực khách có vẻ thích với món khô cá sapa chiên đang được chiêu đãi trên bàn tiệc. Nhân cơ hội này anh Đông – chủ nhà đã lên tiếng giới thiệu món đặc sản được cung cấp từ Nhật Bản để làm quà tặng hoặc đưa lên mâm cỗ vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người sau đó đã đăng ký đặt mua từ 1 đến 5kg với giá 250.000 đồng/kg. Tuy không biết chế biến từ địa phương nào nhưng ai cũng yên tâm vì người mua và người bán đều là chỗ thân quen. Đây cũng là cơ hội cho anh Thanh nhà ở Q.5 giới thiệu món giò thủ do nhà tự làm sẽ cung cấp đủ cho những ai có nhu cầu vào dịp Tết con gà.
Không chỉ tại các gia đình mà tại nhiều cơ quan công sở vào thời điểm cận Tết, phong trào mua thực phẩm người quen cũng đang “vào mùa” rất sôi động. Tại một cơ quan trong ngành xây dựng ở Q.10 khi nghe tin chị Thủy, quê ở Phú Yên bán các loại hải sản tự gia đình làm như chả cá, tôm khô, khô mực nhiều chị em đã nhộn nhịp đăng ký tên mình vào trong danh sách mua hàng “trực tuyến”. Các loại lạp xưởng, bánh chưng, mứt dừa, mứt gừng, gà cúng là những mặt hàng bán chạy trong dịp Tết cũng đều “lên ngôi” bởi các “doanh nhân tự phát” quảng cáo để thu hút khách hàng trong nội bộ.
Không hề có sự kiểm chứng
Thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng, nên chọn lựa các thực phẩm sạch có nguồn gốc thương hiệu và có nhãn mác rõ ràng. |
Gần đây trong những ngày cận Tết, người dân sống tại chung cư đường Nguyễn Oanh, P.17, Q.Gò Vấp nhận được rất nhiều tờ rơi quảng cáo các loại thực phẩm tự làm tại gia để phục vụ Tết Nguyên đán. Sau khi nhận được tờ rơi với nội dung: “Nhà tôi có trang trại nuôi tôm sạch ở Cần Giờ vừa rồi có thu hoạch được tôm lột rất hiếm có nên để làm tôm khô ăn và biếu Tết còn một số bán cho bà con dùng. Đây là tôm nuôi sạch không kháng sinh, chất cấm. Tôm phơi rất khô, không dùng phẩm màu, chất bảo quản, chất chống nấm mốc độc hại. Đóng gói bảo quản bằng túi hút chân không và gói khử ôxy”, bà Mai đã tìm mua 2kg để làm quà biếu. Để trấn an hàng xóm, chủ nhân còn rao: “Chất lượng đảm bảo cho con cháu ăn yên tâm tuyệt đối vì con gái tôi 2 tuổi rất thích và ăn như ăn bim bim”(?). Một căn hộ khác ở block B của chung cư cũng tranh thủ làm rau câu ly và bán thêm các loại bánh phồng đặc sản miền Tây với cam kết miệng: “Giá cả phải chăng, chất lượng các anh chị cứ yên tâm”(!).
Các trang web trên mạng cũng lên tiếng kinh doanh thực phẩm sạch như một cách giải tỏa tâm lý cho các bà nội trợ. Các trang web đều tập trung vào mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt cá, trái cây, đồ khô… Tuy không quen biết với nhau nhưng họ đều cam kết rau tự trồng, gà vịt tự nuôi và bánh trái tự làm. Dù mới ra mắt nhưng các trang web đều được khách hàng chào đón nồng nhiệt để đặt mua. Tuy nhiên có một điểm chung là dù giới thiệu được mua trực tiếp từ các nhà sản xuất lớn hay tự trồng nhưng không một ai có một tờ giấy lận lưng để người mua kiểm chứng có an toàn thực phẩm hay không. Đó cũng là số phận của các loại “thực phẩm handmade” của những người quen rao bán với danh nghĩa tự nuôi tự trồng nhưng hầu như nguồn gốc thực tế vẫn là một ẩn số bởi vì không có ai làm nhân chứng cụ thể để truy xuất ra nguồn gốc. Những cam kết được viết ra từ giấy hay cam đoan từ lời nói thì chưa đủ độ tin cậy đối với người mua. Cũng theo bà Mai: “Có thể thời gian đầu là thực phẩm họ tự làm nhưng với nguồn hàng cần nhiều mà không đủ thì bắt buộc họ phải ra chợ lấy về bán kiếm lời thì làm sao mà biết được. Chất lượng chỉ trông chờ vào may rủi”.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)