Sau hơn 10 ngày phát hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên, đến nay Singapore đã phát hiện trên 250 ca nhiễm. Đồng thời, số ca nhiễm virus Zika tại các nước trong khu vực cũng đang tăng. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ cao về bệnh do virus Zika.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám cho một bệnh nhi mắc SXH. Ảnh: D.Bình |
Lo ngại virus Zika “nội”
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là chủng virus Zika ở Singapore và các nước trong khu vực không phải là “hàng nhập khẩu” từ các nước ở khu vực châu Mỹ – Latinh mà là “hàng nội”. Loại muỗi truyền virus Zika này đầy rẫy ở các nước Đông Nam Á cũng như Việt Nam.
Và rất báo động khi nước ta đang trong mùa mưa bão, thời điểm thuận lợi cho loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) và virus Zika sinh sôi, phát triển…
Theo Bộ Y tế, tình hình SXH đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ – Latinh. Tại Việt Nam đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm virus Zika.
Riêng TP.HCM, ghi nhận 1 trường hợp nhiễm virus Zika, từ đầu năm đến nay thành phố có trên 10.300 ca mắc SXH, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Số ca tử vong đến thời điểm này là 3 ca, trong đó huyện Hóc Môn 2 ca và Q.Gò Vấp 1 ca.
Chỉ trong tháng 8 vừa qua, thành phố có số ca nghi ngờ SXH nhập viện vượt trên 1.100 ca, tăng gần 83% so với tháng trước. Điều này đúng như dự báo của ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM tại buổi họp giao ban y tế dự phòng vào đầu tháng 8, rằng đỉnh dịch SXH sẽ rơi vào đầu tháng 9.
Một số quận huyện có trường hợp SXH tăng cao là Q.5, Q.6, Q.7, Q.10, Q.Tân Bình, huyện Củ Chi và Bình Chánh.
Phòng bệnh SXH sẽ ngăn được virus Zika
Trước những diễn biến phức tạp của virus Zika và SXH, Bộ Y tế vừa gửi công văn tới chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về tăng cường phòng, chống virus Zika và SXH. Theo đó, yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng; huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng. Đặc biệt, đảm bảo tất cả hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để loại bỏ và tiêu diệt lăng quăng; Tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp chống dịch của địa phương.
Đối với ngành y tế, Bộ Y tế yêu cầu phải giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời. Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực để xét nghiệm, từ đó chủ động triển khai các biện pháp phòng chống…
Riêng TP.HCM, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở tăng cường công tác phòng chống dịch SXH và virus Zika, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống, tổ chức diệt lăng quăng, làm vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm… Tại huyện Hóc Môn – nơi có 2 trường hợp tử vong do SXH, Sở Y tế đã thành lập đoàn giám sát phòng chống SXH trên địa bàn xã Bà Điểm và yêu cầu xã này thực hiện tổng vệ sinh ngay tại trạm y tế, khu dân cư nhiều lăng quăng; Thực hiện tổng vệ sinh trên diện rộng toàn huyện hàng tuần, nhất là những vùng nguy cơ…
Ông Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo: “Người dân không nên chủ quan đối với bệnh SXH. Chúng ta phòng được dịch SXH thì sẽ phòng được các dịch bệnh khác, điển hình như virus Zika”.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam – Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 – cho biết: “Phòng chống dịch bệnh SXH sẽ chống được virus Zika do hai loại này đều lây truyền qua muỗi. Vì vậy, phụ huynh cần phòng chống muỗi, tiêu diệt muỗi, không để muỗi cắn trẻ”…
Dương Bình
Bình luận (0)