Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lo ngại với phim truyền hình phía Nam về đề tài gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Sát hại mẹ để bịt đầu mối, ngộ sát em trai cùng mẹ khác cha, em dâu yêu nhầm anh chồng, chị em máu mủ tranh giành đấu đá… Hàng loạt bi kịch như vậy đang có mặt khắp các phim truyền hình phía Nam khiến người xem ớn lạnh.

Thù hận nhiều đời chưa hết

Bộ phim Vòng xoáy tình thù (SCTV14, vừa lên sóng ngày 15/4) mở màn bằng cảnh một bóng người gieo mình từ trên mỏm đá cao xuống dòng thác đang chảy cuồn cuộn. Liền sau đó, khán giả được biết thân phận người xấu số là một phụ nữ vì muốn vay tiền chủ cứu chồng nên bị tên điền chủ Thanh lừa cưỡng hiếp. Xấu hổ, nhục nhã lại thêm bị chồng phát hiện mắng nhiếc nên cô chọn cách quyên sinh. Người chồng tìm đến trả thù cho vợ cũng bị điền chủ Thanh giết chết. Tập phim khép lại tại đây, hứa hẹn mở ra nhiều kịch tính về sau khi Trọng – đứa con trai duy nhất của vợ chồng – được người khác nhận nuôi và khi lớn lên Trọng đã nuôi kế hoạch trả thù. Oái oăm thay Trọng vướng vào mối tình với 2 cô gái là Dung – con gái của điền chủ Thanh và Hương – người vợ thứ tư của ông.

Hàng loạt phim truyền hình phía Nam như Vòng xoáy tình thù (trên), Mặt trời mùa đông (dưới) đều xoay quanh chuyện trả thù

Hàng loạt phim truyền hình phía Nam như Vòng xoáy tình thù (ảnh trên), Mặt trời mùa đông (ảnh dưới) đều xoay quanh chuyện trả thù

Câu chuyện trả thù nhưng rơi vào lưới tình với người thân của kẻ thù cũng là mô típ của phim Tình yêu dối lừa (truyền hình Vĩnh Long). Bộ phim nối sóng Tình yêu dối lừa hiện đang phát là Thử thách cuộc đời cũng hứa hẹn đầy bi kịch xung quanh Nhân và Nghĩa – 2 anh em trong thân phận sinh đôi nhưng thực chất là con của 2 người mẹ khác nhau và 2 bà mẹ cũng là bạn của nhau. Lớn lên, Nhân rắp tâm chiếm đoạt thân phận của Nghĩa và làm nhiều chuyện tày trời khác như sát hại mẹ để bịt đầu mối, phụ bạc người yêu, ngộ sát em trai cùng cha khác mẹ – Hải.

Phim truyền hình phía Bắc chuyển hướng 

Trong khi các phim truyền hình phía Nam chuộng theo đuổi mô típ trả thù, lắm nước mắt thì phim truyền hình phía Bắc gần đây lại chủ trương khai thác tiếng cười. 3 bộ phim gần đây là Đừng làm mẹ cáu, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Gia đình mình vui bất thình lình dù vẫn xoay quanh đề tài gia đình nhưng câu chuyện không quá nặng nề, tình tiết nhẹ nhàng, các nhân vật sống với nhau tử tế, hành xử đẹp, người xấu cũng có nhưng bản chất không phải dã tâm. Thay đổi theo chiều hướng tích cực nhất là cải thiện mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Tất cả những điều này giúp phim ngày càng chiếm được cảm tình của khán giả.

Cũng xoay quanh 2 anh em sinh đôi nhưng phim Mặt trời mùa đông (ứng dụng VieON) có cốt truyện éo le hơn khi người anh phải giả mạo em trai đã mất để tìm ra kẻ thù hại mình và cha năm xưa. “Drama” trong phim chồng chất với những bi kịch như sát hại bạn thân để bịt đầu mối, ngoại tình với chồng của bạn thân, “tiểu tam” có thai, em dâu yêu nhầm anh chồng…

2 phim đang phát trên VTV9 là Vạn dặm nhân sinh và Chị em khác mẹ không khác gì phim gia đình “cung đấu”. Vạn dặm nhân sinh xoay quanh những mâu thuẫn trong gia đình bà Mỹ – ông Ba và 3 người con Thắng, Tâm, An xuất phát từ việc trọng nam khinh nữ.

Phim Chị em khác mẹ thù hận truyền từ đời mẹ sang đời con vì đều vướng vào chuyện 2 chị em cùng yêu 1 người

Méo mó hình tượng gia đình

Dù câu chuyện mỗi phim mỗi khác, phim nào cũng khiến người xem ngộp thở trong mô típ tình – tiền – thù hận. Phim hiện đại nhan nhản chuyện anh/chị/em mâu thuẫn vì tài sản của cha mẹ dẫn đến tranh cãi, xích mích thậm chí sát hại nhau. Phim xưa không thiếu các cuộc đấu đá giữa các bà vợ, anh em cùng cha khác mẹ, ông chủ cưỡng hiếp người nghèo.

Phim xưa phim nay đều xoáy vào những cuộc tình dang dở, có duyên nhưng không phận… dẫn đến vòng xoáy hận thù bao trùm từ đời này sang đời khác, thậm chí ly kỳ đến mức có cả việc phẫu thuật thay đổi khuôn mặt để quay lại trả thù. Phim mới nối sóng liên tục nhưng mô típ na ná nhau, dàn diễn viên quanh đi quẩn lại chừng đó gương mặt lại hay bị “đóng khung” vai diễn nên khán giả theo dõi thường xuyên dễ rối, nhầm lẫn giữa các phim.

Phim Chị em khác mẹ

Phim Chị em khác mẹ thù hận truyền từ đời mẹ sang đời con 

Phải thừa nhận độ lắt léo trong câu chuyện, cách kể với tiết tấu nhanh dù là phim xưa đang giúp phim truyền hình phía Nam có nhiều tác phẩm lọt vào bảng xếp hạng 10 chương trình truyền hình ăn khách. Các nhân vật trong phim trải qua bao khổ đau cũng được đền đáp, kẻ ác đều phải trả giá cho tội lỗi của mình. Các phim đều hướng đến thông điệp cuối cùng là làm điều ác sẽ gặp quả báo và lòng hận thù sẽ khiến con người đánh mất đi lương tri và nhân tính.

Đưa cuộc đời vào vòng xoáy hận thù sẽ không bao giờ hạnh phúc và có được cuộc sống bình an. Tất nhiên dụng ý cuối cùng của các bộ phim là lên án cái xấu, tôn vinh những điều thiện, nhưng cách khai thác quá sâu những mưu mô, thủ đoạn của nhân vật, tham lam tình tiết bi kịch khiến người xem cảm thấy mệt mỏi.

Lẽ ra xem phim để giải trí, có được nguồn năng lượng tích cực thì càng xem phim càng thấy tiêu cực. Cách khai thác mâu thuẫn theo lối mòn như hiện nay làm hình ảnh gia đình trên phim bị méo mó, không còn là nơi ấm êm hạnh phúc mà chỉ toàn là những khổ đau. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)