Hội nhậpThế giới 24h

Lò phản ứng nhiệt hạch lớn nhất thế giới bị đình trệ

Tạp Chí Giáo Dục

Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế lớn nhất thế giới có thể mất nhiều năm nữa mới bắt đầu sản xuất năng lượng.
Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER) ở Saint-Paul-lès-Durance, miền nam Pháp, ngày 15.9.2021.
Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER) được lên kế hoạch để bắt đầu cung cấp năng lượng sạch không carbon vào năm 2025. 
Tuy nhiên, giám đốc điều hành Pietro Barabaschi nói với hãng tin AFP trong chuyến thăm dự án này tuần qua rằng ITER có thể mất nhiều năm để bắt đầu sản xuất năng lượng hữu ích.
Dự án được triển khai ở miền nam nước Pháp vào những năm 1980 và nhằm mục đích sản xuất điện thương mại thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân, dự kiến sẽ trở thành nguồn năng lượng không carbon quy mô lớn vào năm 2025. Nhưng theo ông Barabaschi, ngày đó “ngay từ đầu đã không thực tế” và giờ đây dự án phải đối mặt với hai thách thức mới.
Vấn đề đầu tiên là các phép đo được tính toán sai đối với các mối nối của các khối cần được hàn lại với nhau để tạo thành buồng lò phản ứng. Thứ hai là phát hiện gần đây về dấu vết ăn mòn trong tấm chắn nhiệt – thiết bị chứa nhiệt tạo ra trong phản ứng tổng hợp hạt nhân.
Ông Barabaschi cho hay, việc giải quyết những vấn đề này “không phải chỉ trong vài tuần, mà là vài tháng, thậm chí nhiều năm”.
Trong quá trình hợp hạch, các hạt nhân nguyên tử nhẹ bị ép lại với nhau trong một plasma nóng, được giữ trong một thiết bị hình bánh gọi là tokamak. Mục tiêu là tạo ra một nguồn cung cấp điện an toàn và gần như vô hạn.
ITER được khởi động vào năm 1985, sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Dự án đã phải đối mặt với một loạt các thách thức kỹ thuật và vấn đề chi phí trong nhiều năm. Hiện tại, ITER đang được phát triển bởi các công ty từ Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. 
ITER còn được gọi là "mặt trời nhân tạo" lớn nhất thế giới ở Trung Quốc. Ngày 23.11.2022, Hoàn cầu Thời báo cho biết, quá trình sản xuất các thành phần lõi của "mặt trời nhân tạo" thế hệ tiếp theo – nguyên mẫu kích thước đầy đủ của tấm ốp tường tăng cường truyền tải nhiệt đầu tiên (EHF FW) – đã được hoàn thành ở Trung Quốc với các chỉ số lõi tốt hơn đáng kể so với yêu cầu thiết kế, và đáp ứng các điều kiện để sản xuất hàng loạt.
“Mặt trời nhân tạo” của Trung Quốc.
Trung Quốc ký thỏa thuận về việc khởi động dự án ITER với sáu bên khác vào năm 2006 và đã gánh vác trách nhiệm khoảng 9% nhiệm vụ.
Quá trình nghiên cứu "mặt trời nhân tạo" ở Trung Quốc đã có bước đột phá vào tháng 10 khi đạt dòng điện plasma HL-2M trên 1 triệu ampe, lập kỷ lục mới về hoạt động của phản ứng tổng hợp hạt nhân có kiểm soát ở nước này.
Nga vẫn tham gia ITER bất chấp lệnh trừng phạt và xung đột Ukraina. Gần đây nhất, vào tháng 11 năm ngoái, Nga đã cung cấp cho dự án một nam châm khổng lồ cần thiết để xây dựng tokamak. Theo mục tiêu của dự án, ITER tokamak sẽ là thiết bị nhiệt hạch lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)