Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lo sinh viên Việt “lép vế” khi hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Trong các chương trình gặp gỡ doanh nghiệp những năm gần đây, sinh viên đều trăn trở vấn đề phải lựa chọn giữa chú tâm học tập để đạt bằng đỏ, điểm số tốt hay “lăn” vào thực tiễn cuộc sống để trải nghiệm và chấp nhận kết quả tốt nghiệp bình thường.

Giới trẻ càng băn khoăn, lúng túng hơn khi ý thức thời điểm Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN ngày càng tiến gần, sự cạnh tranh lao động với các nước trong khu vực sẽ trở nên gay gắt hơn.

Kinh nghiệm từ thực tế chứ không ở giảng đường

Chương trình tọa đàm “Sinh viên tự tin hội nhập” do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa tổ chức, sinh viên đã giao lưu với đại diện các doanh nghiệp bằng tiếng Anh, tuy chưa hoàn toàn tự tin nhưng những cố gắng của các bạn trẻ là đáng ghi nhận.

Dù vậy, số sinh viên trang bị tốt vốn tiếng Anh như vậy hiện nay vẫn chưa chiếm đông đảo và một trong các vấn đề mà phía doanh nghiệp còn liên tục phàn nàn ở sinh viên cũng chính là khả năng ngoại ngữ này. Bà Nguyễn Ngọc Kim Hằng, Giám đốc tuyển dụng – đào tạo P&G ASEAN & Philippines, so sánh: Sinh viên ở nhiều nước trong khu vực có lợi thế nổi trội về tiếng Anh. Họ tham gia các hoạt động ngoại khóa không phải cho vui mà hướng đến hiệu quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Họ cũng ý thức đi làm thêm để trải nghiệm, tăng kỹ năng và tự tin khi bước vào thị trường lao động. Trong khi đó, không ít sinh viên nước ta tham gia hoạt động đội/nhóm chỉ thiên về hình thức mà ít hướng đến chất lượng.

Sinh viên tìm kiếm thông tin việc làm tại Ngày hội việc làm do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa tổ chức

Bà Hằng nêu cụ thể, hoạt động ngoại khóa của sinh viên các nước trong khu vực đi vào chiều sâu, vượt khỏi phạm vi trường học và có tầm ảnh hưởng đến xã hội. Qua thực tế tuyển dụng, bà Kim Hằng nhận thấy chỉ 30% sinh viên Việt Nam có những hoạt động đội/nhóm đáp ứng được các tiêu chí tương tự. Con số rất lớn còn lại có tham gia nhưng còn khá mơ hồ, chưa đi vào thực chất. “Mặc dù các đội/nhóm họp bàn rất nhiều và đều đặn hàng tuần nhưng vẫn không tạo ra được hiệu quả. Kỹ năng, kinh nghiệm chỉ có được thông qua cọ xát thực tế chứ không từ các cuộc họp”, bà Kim Hằng định hướng.

Trả lời câu hỏi của sinh viên về hành trang cần chuẩn bị cho hội nhập, bà Analyn Hao, Giám đốc bộ phận tư vấn tuyển dụng cấp cao của Công ty Employment Vietnam, nhắn nhủ: Sinh viên cần chú trọng tiếng Anh và không ngừng học hỏi, đồng thời biết tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có.

Dùng… áp lực nâng cao năng lực

Vấn đề muôn thuở “lo học để có điểm số đẹp hay chăm chỉ làm thêm để trải nghiệm, chấp nhận kết quả tốt nghiệp bình thường” tiếp tục được Hải Triều (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đặt ra tại tọa đàm. Bà Analyn Hao cho rằng nắm vững lý thuyết là tốt nhưng vận dụng được chúng vào thực tế mới quan trọng. Những sinh viên có khả năng giao tiếp, năng động sẽ thực hiện nhanh nhạy việc này.

“Nắm vững lý thuyết là tốt nhưng vận dụng được chúng vào thực tế mới quan trọng”, bà Analyn Hao nói.

Trong khi đó bà Kim Hằng cũng khuyến khích sinh viên trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động Đoàn/hội và công việc làm thêm nhưng đồng thời không để điểm số quá “bét”. Bởi theo bà Kim Hằng, quá trình làm việc sau này, nhân viên sẽ phải cùng một lúc tham gia thực hiện nhiều dự án, đòi hỏi khả năng tổ chức công việc, sắp xếp thời gian, chịu áp lực lớn… Chỉ khi vừa học tập, vừa làm thêm, sinh viên mới quen dần và thích ứng với những điều kiện khắc nghiệt này. Bà Kim Hằng cũng nhìn nhận, việc sớm đặt mình vào những áp lực cũng là cách giúp sinh viên trải nghiệm, nâng cao năng lực.

Đại diện một doanh nghiệp khác cũng chỉ ra, sinh viên các nước trong khu vực nhờ có quá trình chuẩn bị tốt nên thường xuyên được mời làm việc ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường. Con số này ở nước ta khá ít ỏi, do quá trình chuẩn bị chưa đầy đủ, thiếu kỹ càng. Bà Kim Hằng đơn cử, khi phỏng vấn tuyển dụng, trong khi sinh viên các nước chuẩn bị kỹ, trả lời gãy gọn, vào đúng trọng tâm vấn đề thì sinh viên Việt Nam lại bỏ thời gian lòng vòng cho đủ mở bài, thân bài, kết luận… dàn trải thông tin. Thực tế, ứng viên chỉ cần tóm tắt gọn trong 3 đến 5 câu, những vấn đề nào được quan tâm, nhà tuyển dụng sẽ tiếp tục trao đổi mở rộng.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Chuẩn bị kỹ ngay từ sớm

Thay vì để đến năm cuối mới tất bật tìm hiểu thị trường lao động, môi trường làm việc ở các công ty và yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng, sinh viên nên có sự chuẩn bị ngay từ đầu. Đại diện các doanh nghiệp lý giải, các cơ hội đến nhiều nhưng không giống nhau. Việc xác định được mục tiêu giúp sinh viên loại bỏ những cơ hội không phù hợp. Để được như vậy, sinh viên cần có sự chuẩn bị kỹ càng từ rất sớm.

 

Bình luận (0)