Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lo sớm kích cầu du lịch cho năm tới

Tạp Chí Giáo Dục

Theo dự báo của nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến không mấy khả quan trong năm 2013, đòi hỏi mỗi ngành phải nỗ lực cao độ mới mong duy trì tăng trưởng. Đối với ngành du lịch, bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT-DL) nhận thấy cần phải sớm thực hiện Chương trình kích cầu du lịch cho năm 2013 để có thể đạt mục tiêu 7 triệu lượt khách quốc tế và triệu lượt khách nội địa. 

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia kích cầu du lịch

Ngày 28.11.2012, thứ trưởng bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hồ Anh Tuấn đã có cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam để triển khai chương trình.

Nhân viên hàng không biết cười với khách góp phần phát triển du lịch.

Để thu hút du khách nước ngoài, bộ VH-TT-DL nhận thấy cần tổ chức các chuyến khảo sát thực tế (famtrip) cho các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài. Bộ khuyến khích các khách sạn từ hai đến năm sao, các nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành, hãng vận chuyển, hãng hàng không, các điểm du lịch, mua sắm… ở các tỉnh, thành tham gia cung cấp miễn phí các dịch vụ cho đoàn famtrip, tổ chức tour mẫu, thông tin về chất lượng dịch vụ, giá cả… Bộ cũng sẽ tổ chức các sự kiện quảng bá Việt Nam tại một số thị trường chính là Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp và Tây Âu, Mỹ, Úc và New Zealand, Nga, các nước Asean. Lợi ích của các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ famtrip cho các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài là được giảm 50% chi phí vé máy bay và 50% kinh phí tham dự các chương trình quảng bá tại nước ngoài do tổng cục Du lịch tổ chức, cùng một số quyền lợi truyền thông khác.

Đối với việc đẩy mạnh du lịch nội địa, vấn đề được quan tâm là làm sao tạo điều kiện phát sinh nhu cầu du lịch. Vì vậy, bộ VH-TT-DL đã đề nghị bộ Lao động, thương binh và xã hội trình Chính phủ cho phép hoán đổi các ngày nghỉ, ngày lễ để công chức, người lao động có khoảng thời gian nghỉ dài, dễ cho mọi người quyết định các kỳ nghỉ du lịch; mặt khác, nên tuyên truyền về ý nghĩa của việc nghỉ phép năm đối với người lao động. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí… sẽ kích thích nhu cầu du lịch bằng việc không tăng giá đột biến vào mùa cao điểm, giảm giá 10 – 30% vào mùa thấp điểm. Không chỉ có Vietnam Airlines, mà VietJet Air, Air Mekong cũng được đề nghị có mức giảm giá theo mùa vụ để lữ hành xây dựng giá cho các tour nội địa được thuận lợi.

Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị bộ Công thương phối hợp phát động chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm ở các thành phố lớn và các địa phương có khả năng thu hút đông khách du lịch.

Ngành du lịch không thể một mình kích cầu

Đưa ra một kế hoạch khá dày, hầu triển khai thực hiện tốt chương trình kích cầu du lịch năm 2013, bộ VH-TT-DL đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và vận chuyển khách du lịch trong năm 2013. Thế nhưng, theo các doanh nghiệp, việc miễn, giảm thuế là cần thiết, song cấp thiết không kém là sự thay đổi suy nghĩ của các ngành khác để tạo điều kiện cho du khách nước ngoài vào Việt Nam và khách trong nước đi du lịch ở các vùng miền.

Ông Vũ Thế Bình, chủ tịch hiệp hội Lữ hành Việt Nam phê bình “sự ngẫu hứng” từ trung ương đến địa phương trong nhiều qui định, ví dụ: đã miễn visa du lịch cho khách của một số quốc gia, giờ lại muốn đề xuất không miễn nữa; một số tỉnh muốn tăng giá vé vào các điểm tham quan bất hợp lý. Bộ VH-TT-DL nói năm 2013 kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, nên sẽ tập trung đẩy mạnh thị trường khách Nhật. Ông Nguyễn Văn Trấn, tổng giám đốc công ty APEX Việt Nam lấy làm khó hiểu khi bộ đã xác định như vậy và thị trường Nhật nhiều năm qua luôn có lượng du khách đến Việt Nam đông, chi tiêu nhiều, thế mà ngành du lịch Nhật đã gợi ý giúp đỡ mở văn phòng đại diện quảng bá du lịch Việt Nam tại Nhật, nhưng không thấy phía du lịch Việt Nam xúc tiến việc này.

Theo các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển đều muốn ổn định giá dịch vụ trong suốt năm để dễ cho việc giới thiệu đến khách trước vài tháng hoặc cả năm, nhưng liệu việc điều hành của Chính phủ đối với giá xăng dầu, điện, nước, giá cả sinh hoạt có tạo sự an tâm không? Dường như chưa có sự cam kết chắc chắn nào. Khổ nhất là các doanh nghiệp lữ hành, báo giá tour cho khách xong, các hãng xe bảo xăng lên, đòi tiền thuê xe tăng, chẳng lẽ không thuê cho khách đi; nhà hàng bảo thực phẩm tăng giá nhiều, lữ hành phải thêm tiền để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho khách.

Trong chương trình kích cầu du lịch 2013, bộ VH-TT-DL phát động chiến dịch quảng bá tại chỗ đối với khách quốc tế, theo đó, mong muốn nhân viên hàng không, hải quan xuất nhập cảnh là những người đầu tiên tiếp xúc khi khách vào Việt Nam nên thể hiện sự thân thiện, mến khách. Đây cũng không phải muốn là được khi lãnh đạo hải quan, các sân bay, hãng hàng không không thấy được tầm quan trọng của việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đối với du khách. Khi nào tất cả nhân viên hàng không, hải quan xuất nhập cảnh biết cười với khách thì du khách mới thấy thoải mái góp phần phát triển kinh tế Việt Nam thông qua du lịch.

Bài và ảnh: Các Ngọc

SGTT.VN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)