Hội nhậpGiáo dục phát triển

Lộ trình đào tạo tiếng Anh giúp trẻ trở thành công dân toàn cầu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với chút kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực tiếng Anh, tôi muốn chia sẻ cho ba mẹ về lộ trình đào tạo tiếng Anh giúp trẻ trở thành công dân toàn cầu như thế nào.

Không ai trong chúng ta có thể dự đoán chính xác thế giới ra sao trong vài chục năm, thậm chí là vài năm tới. Vì vậy, bằng bất cứ giá nào, chúng ta cần phải giáo dục các con để sẵn sàng cho tương lai của chúng. Tôi biết rằng có rất nhiều phụ huynh đã nghiêm túc “đầu tư” cho con họ, từ khi còn bé. Tôi cũng đã tiếp xúc với hàng trăm bé học sinh tiểu học có thể nói tiếng Anh lưu loát như người bản xứ, và thấy được sự tự tin hay cơ hội mà các con có thể có được trong tương lai. Toàn cầu hóa đang diễn ra hàng ngày – và chính tôi cũng đang phải làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa. Trước đây, tôi đã không được chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó – nhưng con tôi sẽ khác.

Nếu tôi chưa thể cho con tiếp cận môi trường quốc tế thì trước hết, con tôi phải sử dụng được ngôn ngữ quốc tế trong học tập, trong công việc. Muốn con trở thành công dân toàn cầu thì tiếng Anh chính là công cụ đầu tiên cha mẹ cần nghĩ tới. Tất nhiên để đạt được mục tiêu này, phải có 1 lộ trình dài, và tôi cũng phải trang bị cho các con rất nhiều thứ khác nữa.

Tôi muốn con tôi được đào tạo tiếng Anh như thế nào?

Với bé nhỏ tầm 4 tuổi, tôi sẽ cho con học tiếng Anh như cách trẻ em Việt Nam học ngôn ngữ Việt. Ba mẹ hãy hình dung đi ạ. Trẻ mới sinh ra cần phải mất 1.5 đến 2 năm đầu đời mới bắt đầu nói được, 3 tuổi mới có thể nói được cả câu đơn giản, 4-5 tuổi mới có thể dùng lời nói diễn đạt ý nghĩ của mình. Đấy là chúng ta đang nói đến ngôn ngữ mẹ đẻ – ngôn ngữ mà trẻ có điều kiện tiếp xúc với trong phần lớn thời gian của một ngày. Vì vậy, tôi sẽ để cho con tôi tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ sớm qua các hoạt động, bài hát, trò chơi… một cách từ thụ động đến chủ động. Mục đích là để con cảm thấy hứng thú với tiếng Anh ngay từ đầu. Nếu vào lớp 1 mới tiếp xúc với tiếng Anh – và nó lại là 1 môn học thì nó lại trở thành 1 áp lực với những bài thi, kiểm tra, điểm số. Lúc này trẻ sẽ không hứng thú và rất khó để học tiếng Anh sau này. 
Khi con đã làm quen với tiếng Anh một cách đầy hứng khởi, tôi sẽ xây dựng nền tảng phát âm chuẩn, đọc lưu loát và viết đúng chính tả thông qua môn tập đọc, đánh vần (Phonics). Phonics có thể nôm na hiểu như là chương trình tập đọc, đánh vần tiếng Việt mà các em học sinh lớp 1 của chúng ta đang học. Con tôi sẽ có khả năng phát âm cả những từ chưa gặp mà không cần đoán. Tuy nhiên, môn học này cần được học càng sớm càng tốt, khi con còn nhỏ và mới tiếp cận tiếng Anh. Vì khi trẻ đến tuổi trưởng thành, sẽ rất khó để dạy theo phương pháp này. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần chú ý là cách đánh vần trong tiếng Anh phức tạp hơn tiếng Việt rất nhiều lần và đòi hỏi giáo viên có trình độ sư phạm cùng kinh nghiệm giảng dạy cao. Đối với trẻ em, không phải là khối lượng kiến thức mà cách thức truyền đạt kiến thức đó mới là điều quan trọng nhất. Đó là lý do tôi phải mời giáo viên giỏi về dạy cho các con. Sau khi học tập đọc, các con sẽ từng bước chuyển sang đọc đoạn văn, đọc câu chuyện và cao hơn là đọc để tập làm văn. Đến tầm 4 năm sau, con sẽ sử dụng được tiếng Anh giao tiếp tự tin, chuẩn xác và hoàn thiện cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Sau khi đã trang bị được tiếng Anh như là 1 ngôn ngữ để giao tiếp, các con tôi sẽ sử dụng tiếng Anh như một công cụ để tiếp nhận tri thức thông qua chương trình đọc. Ở lớp các con sẽ được giáo viên hướng dẫn các kỹ năng đọc cơ bản; như đọc để tìm hiểu ý chính, đọc lướt, đọc hiểu và thực hành đọc sau này. Những kỹ năng như tư duy phản biện (critical thinking), sáng tạo sẽ được phát triển theo đó. Cao hơn chút nữa, các con sẽ được hướng dẫn cách vận dụng và mở rộng kiến thức khi đọc sách. Thông thường các lớp học ở trình độ này nội dung học thường là các dự án, các con sẽ được giáo viên giao cho các đề tài mà kiến thức vượt qua sự hiểu biết khuôn khổ trong sách giáo khoa. Điều này buộc các con phải tìm kiếm thêm nhiều nguồn tài liệu khác trong thư viện, trên website để hỗ trợ. Nhờ vậy, kiến thức và sự hiểu biết của các con cũng tăng lên, kỹ năng hợp tác, giao tiếp cũng dần hoàn thiện. Ở lứa tuổi 10-13, các con đã có khả năng nghiên cứu các đề tài như:

– Làm thế nào để nào để cứu môi trường, bảo vệ nguồn nước hay là tìm giải pháp cho nguồn tài nguyên thiên nhiên nước nhà?

– Ý kiến của bạn về sự khủng hoảng tài chính hiện nay, nguyên nhân và giải pháp?

Và với lượng kiến thức đầu vào chất lượng cao các con sẽ không còn gặp khó khăn khi làm tập làm văn hay viết luận nữa.

Ba mẹ cần biết rằng, các mức độ của phát triển ngôn ngữ bao gồm: Giao tiếp -> Thuyết trình -> Diễn thuyết -> Tranh luận. Và ba mẹ không nên đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng chỉ cho mục tiêu thấp nhất. Với tôi, đó là sự lãng phí năng lực học tập của trẻ, khi mà mọi trẻ em sinh ra đều có khả năng trở thành thiên tài với cách giáo dục đúng đắn. Vì thế, ba mẹ cần đặt mục tiêu cao hơn – nhưng vẫn phù hợp với con. Hãy cho con sự đầu tư toàn diện từ nghe, nói, đọc viết. Hãy cho đặt nền tảng tốt nhất để con có thể dùng tiếng Anh học tập và làm việc sau này như những công dân toàn cầu.

Phùng Thị Hải Âu – Chuyên gia lĩnh vực giáo dục sớm cho trẻ em

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)