Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lo xây trường chuẩn, bỏ trôi trường làng

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học của Trường TH Thới Xuân I (xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ)

Trước đây Thới Đông (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) là xã thuộc chương trình 135, sau này ra khỏi chương trình và tách làm hai xã: Thới Đông và Thới Xuân.
Tại Trường TH Thới Đông I (xã Thới Đông), học sinh (HS) học 2 buổi/ ngày, trong ngôi trường khang trang, thoáng mát với đầy đủ môn chuyên, môn tự chọn. Tuy nhiên ngôi trường bề thế này dường như quá to lớn đối với một khu vực mà số HS tiểu học không nhiều. Trường có nhiệm vụ thu nhận HS ở các ấp: Thới Thạnh, Thới Phong, Thới Xuân và Thới Hữu, nhưng năm học 2012-2013 này, trong tổng số 407 HS thì có 239 em được nhận ngoài tuyến. Số HS ngoài tuyến chiếm áp đảo như vậy nhưng trường vẫn dư 2 phòng học, không kể trước đó để giải quyết số phòng học dôi dư trường đã tận dụng bằng cách dành 1 phòng  dạy tiếng Anh, 1 phòng dạy vẽ, 1 nhà kho. Theo Ban giám hiệu, số phòng học dư sẽ làm phòng ăn và nghỉ trưa cho HS khi trường mở lớp bán trú.
Cách Trường Thới Đông I khoảng 1 cây số là Trường TH Thới Xuân I (xã Thới Xuân) nhỏ bé và xuống cấp nặng. Trường có 2 điểm, điểm chính nằm tại ấp Thới Trường 1, điểm lẻ ở ấp Thới Trường 2. Cả hai điểm trường chỉ có 9 phòng học, trong đó điểm chính chỉ có 3 phòng học, 1 thư viện, 1 phòng dành cho Đoàn – Đội, 1 phòng làm việc chung của Ban giám hiệu và bộ phận văn phòng. Cơ sở vật chất đều là phòng cấp 4. Xây dựng từ năm 1984, thường bị ngập vào mùa nước nổi nên điểm trung tâm này đang trong tình trạng xuống cấp nặng: Tường thì nứt, cột kèo và các đòn tay bị mối mọt ăn, sân chơi nhỏ hẹp, nền đất xen với những chỗ được lót dale nhưng nhiều tấm vỡ nứt; khi mưa, sân trường lầy lội. Trong các phòng học, nền lót dale vỡ loang lổ, nhiều chỗ lún sụt, HS ngồi không cẩn thận là té do chân ghế mất thăng bằng… Thầy Phạm Văn Hên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Do trên quy hoạch sẽ xây trường mới nên 10 năm nay trường không được nâng cấp, sửa chữa. Mỗi năm học, chúng tôi được cấp kinh phí hoạt động 1 triệu đồng/ phòng học. Số tiền này chỉ đủ sơn lại tường và các cánh cửa, dặm vá vài chỗ tường nứt. Dân ở đây nghèo lắm nên không thể vận động xã hội hóa. Khi mưa lớn, trường không thể tổ chức hoạt động ngoại khóa. Các em không có sân chơi hoặc tập thể dục”.
Do sự chênh lệch quá lớn về điều kiện học đã khiến những gia đình có điều kiện ở xã Thới Xuân tìm cách cho con học Trường TH Thới Đông I. Theo số liệu điều tra của giáo viên phổ cập Trường TH Thới Xuân I, số HS học trái tuyến này hơn 80, trong đó có những em học một thời gian ở Trường Thới Xuân I, sau đó cha mẹ “chạy” cho các em đến trường khác tốt hơn. Em Nguyễn Thị Tường Vi (nhà cách Trường Thới Xuân I chỉ vài bước chân), đang học lớp 3 giờ em chuyển đến Trường Thới Đông I, ba hoặc mẹ phải đưa đi. Đường đến trường, khúc lộ trong ấp Thới Trường I này rất lầy lội, thường bị ngập nước khi mưa lớn… Dù đi học vất vả như vậy nhưng Tường Vi vẫn rất vui, bởi vì: “Con rất thích học trường mới vì trường đẹp, lớp học rộng, có quạt máy. Sân trường thiệt là bự, sạch sẽ và có nhiều đồ chơi, bàn ghế cũng đẹp nữa”, Vi nói.
Nằm trong số địa phương khó khăn nhất của Cần Thơ, huyện Cờ Đỏ có 46 trường từ mầm non đến THPT, số điểm lẻ lên tới gần 100, trong đó rất nhiều điểm là phòng tạm, phòng tre lá hoặc xuống cấp nặng. Huyện có 6 trường đạt chuẩn quốc gia và đang đầu tư để năm 2012 thêm 3 trường được công nhận… Những cố gắng để huyện có nhiều trường chuẩn quốc gia, phù hợp xu thế phát triển, rất đáng ghi nhận; nhưng khi đầu tư trọng điểm để một trường đạt chuẩn thì sẽ tạm dừng đầu tư cho nhiều trường khác, do vậy tạo nên khoảng cách quá lớn về điều kiện học của HS giữa những trường chuẩn quốc gia và những ngôi trường xuống cấp, thiếu trước hụt sau.
Đề cập vấn đề trên, ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cờ Đỏ, lý giải: “Xây Trường TH Thới Đông I lớn như vậy để chuẩn bị tiến tới trường đạt chuẩn mức độ II. Chúng tôi sẽ kiểm tra và hướng dẫn trường sử dụng hết các phòng còn lại. Đối với Trường TH Thới Xuân I, theo kế hoạch sẽ xây mới theo hướng đạt chuẩn quốc gia nhưng khó khăn về kinh phí nên chưa tiến hành. Do kinh phí khó khăn nên chúng tôi chỉ đầu tư xây dựng cho những trường có đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia!”…
Bài, ảnh: Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)