Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp Chính phủ ngày 1/12 nhìn nhận xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với những thử thách thật sự từ các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới.
Bộ này cho rằng các diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ thế giới, đặc biệt sau khi Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế thứ hai trị giá 600 tỷ USD, cùng với tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia có thể dẫn tới việc điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ so với đồng USD ở một số nền kinh tế.
Đặc biệt, việc đồng Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ có thể tăng nhẹ do việc Nhân dân tệ tăng giá dẫn tới việc hàng Trung Quốc trở nên đắt hơn.
Đến hết tháng 11, đã có 16 mặt hàng hoặc nhóm hàng gia nhập "câu lạc bộ 1 tỷ USD" kim ngạch xuất khẩu
Nhưng đồng USD của Mỹ tiếp tục xu hướng giảm giá cũng sẽ làm cho các hàng hóa nước ngoài vào thị trường Mỹ nói chung, trong đó có hàng hóa Việt Nam, trở nên khó cạnh tranh hơn với hàng hóa của Mỹ.
Bên cạnh đó, cầu ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cùng xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch của các thị trường này sẽ khiến cho xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn hơn trước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng việc Chính phủ Mỹ đưa ra gói cứu trợ mới trong khi giữ nguyên lãi suất cơ bản sẽ làm tăng dòng tiền đầu tư gián tiếp tới các nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam. Những dòng tiền này có thể "chảy" vào các kênh như chứng khoán, bất động sản… và có thể gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ cũng như cán cân thanh toán.
Đồng thời, việc giá USD biến động sẽ khiến cho xu thế dự trữ vàng và các hàng hóa thiết yếu như dầu thô, kim loại quý… tiếp tục gia tăng và gây áp lực tăng giá hàng hóa trong nước.
Năm nhóm giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất và lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ trong cuộc họp kéo dài hai ngày nhằm tìm kiếm giải pháp điều hành phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận trong 11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 63,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2009 và gấp hơn 4 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra.
Riêng với khối doanh nghiệp FDI, kim ngạch xuất khẩu thậm chí tăng tới 40,3% với tổng giá trị 30,3 tỷ USD.
Tuy nhuên, kim ngạch xuất khẩu đã tăng một phần nhờ vào sự tăng giá của các mặt hàng, chẳng hạn mặt hàng than đá đã giảm 26,8% về lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch vẫn tăng tới 12,2%.
Đến hết tháng 11, đã có 16 mặt hàng hoặc nhóm hàng gia nhập "câu lạc bộ 1 tỷ USD" kim ngạch xuất khẩu, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, dầu thô, điện tử và máy tính, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, đá quý và kim loại quý, máy móc thiết bị, cao su, cà phê, phương tiện vận tải và phụ tùng, than đá, dây điện và cáp điện, xăng dầu, hạt điều.
Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên trình bày tại buổi giao ban về xuất nhập khẩu ngày 29/11 cũng nêu rõ, tháng 11 tình hình xuất khẩu tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực với các yếu tố thuận lợi về giá, đơn hàng, thị trường… Trên cơ sở của những tín hiệu lạc quan này, Bộ Công Thương dự báo, tháng cuối năm nay xuất khẩu tiếp tục vẫn diễn biến theo chiều hướng thuận lợi. Cả năm 2010 xuất khẩu có khả năng đạt được 70,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2009, và tăng 16,5% so với kế hoạch năm.
Nguồn VNECONOMY
Bình luận (0)