Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Loại bỏ bệnh thành tích

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhìn tổng thể, không thể vì chuyện này chuyện kia mà phủ nhận thành quả của việc thu hút FDI thời gian qua. Dòng vốn FDI đã có nhiều đống góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều mặt trái liên quan đến đầu tư nước ngoài và đầu tư nói chung đã được phát hiện. Xét trên góc độ từng dự án thì nhà đầu tư nào vào Việt Nam thì họ cũng phải tính đến việc tìm kiếm lợi nhuận. Bỏ một đồng thì về lâu dài phải thu hồi một đồng cộng với tiền lãi chứ họ không phải là người đi làm từ thiện.
Thời gian qua nhiều dự án FDI đăng ký vốn rất lớn, nhưng thực chất đưa tiền vào ít, mà họ dựa chủ yếu vào nguồn vốn từ chính trong nước, đặc biệt là với những dự án trong lĩnh vực bất động sản. Vấn đề quan trọng nhất trong việc thu hút đầu tư của các nước cũng như của Việt Nam là việc thu hút này phải tạo ra tác động lan tỏa qua kỹ năng, công nghệ, cách thức quản lý… Rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc lan tỏa của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt trong việc chuyển giao công nghệ, là rất hạn chế.
Mặt trái của thu hút FDI liên quan đến việc thu hút những dự án, công nghệ không tốt cho môi trường, tận dụng tài nguyên, lao động giá rẻ. Vì vậy, cách thức thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta cần thay đổi, theo hướng gắn với phát triển bền vững và nằm trong tổng thể thay đổi cách thức phát triển của Việt Nam. Chúng ta cần nói nhiều hơn đến tính lựa chọn và cần xây dựng một chiến lược hiệu quả trong thu hút FDI.
Để làm được chiến lược này, bên cạnh những cái mới, cần xử lý một loạt vấn đề như xù nợ, phá hoại môi trường, chuyển giá… Bài học ở đây là bài học về lợi ích cục bộ và lợi ích chung của nền kinh tế. Gắn đằng sau đó là câu chuyện phân cấp. Phân cấp cho địa phương, không có nghĩa cơ quan trung ương hết trách nhiệm. Bởi cái quan trọng hơn trong phân cấp là việc chia sẻ thông tin.
Nói phân cấp không có nghĩa tách rời sự chia sẻ thông tin, trách nhiệm giữa chính quyền trung ương, các bộ ngành với các địa phương. Việc chia sẻ này cần thực hiện dưới góc nhìn của địa phương và nhìn từ tổng thể quốc gia.
Đằng sau câu chuyện phân cấp còn có chuyện nhìn nhận “chỉ tiêu” để đánh giá địa phương. Lâu nay có nhiều ý kiến khác nhau về tính đúng đắn của việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao để địa phương báo cáo thành tích. Nhưng cũng cần đặt câu hỏi tại sao ai cũng thích đặt mục tiêu tăng trưởng cao như vậy. Điều này liên quan đến tâm lý hứng khởi, bệnh thành tích ở địa phương trong khi việc phân cấp được thực hiện khiến một số doanh nghiệp FDI dễ lừa hoặc bịa đặt về khả năng mang vốn vào đầu tư tại Việt Nam.
Cùng với đó là tâm lý sính ngoại của các địa phương, tạo ra những kẽ hở trong quản lý và địa phương dễ bị mắc mẹo lừa của nhà đầu tư.
Khả năng thẩm định, năng lực yếu kém của các cơ quan quản lý ở địa phương cũng là nguyên nhân dẫn đến những tình trạng trên. Tuy nhiên, nếu có sự phối hợp thông tin chặt chẽ giữa các bộ ngành và địa phương, dù đã có phân cấp, cũng sẽ hạn chế được những mặt tiêu cực trên.
TS Võ Trí Thành
Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh  tế T.Ư
Theo Tien phong

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)