Các tác giả ngày càng hứng thú kể lại những chuyến đi, còn độc giả thì hào hứng khi được trải nghiệm qua những trang văn ăm ắp thông tin thú vị.
Hàng loạt tác phẩm thuộc thể loại du ký được xuất bản và nhanh chóng tái bản gần đây. Các cuốn sách đa dạng về nội dung, phong phú về phong cách, bút pháp với đầy ắp tư liệu chính là điểm làm nên cơn sốt “văn học du ký” cho thị trường xuất bản.
Đầu tháng 6 này, cuốn sách “ John đi tìm Hùng” của tác giả Trần Hùng John ra mắt, được sự đón nhận của đông đảo độc giả cả nước. Trong khi cái tên Trần Hùng John còn quá xa lạ với văn đàn, văn phong cũng không có gì đặc biệt, thì sự thành công của cuốn sách này chỉ có thể lý giải bởi một điều: văn học du ký đang là thể loại yêu thích của nhiều độc giả.
Tháng 5/2012, cuốn" Nước Ý, câu chuyện tình của tôi “ của nhà báo Trương Anh Ngọc ra mắt và được tái bản tháng 6 năm nay. Cuốn sách tập hợp một số bài viết và ảnh của Trương Anh Ngọc sau thời gian anh công tác nhiệm kỳ ba năm với tư cách Trưởng phân xã Thông Tấn xã Việt Nam tại Italy. Một người bạn của Anh Ngọc, Nguyễn Phương Mai, cũng vừa cho ra mắt cuốn sách "Tôi là một con lừa “ kể về chuyến đi du lịch bụi vòng quanh thế giới của cô. Phương Mai là cô gái nổi tiếng khi ở tuổi 24 đã làm thư ký tòa soạn một tờ báo dành cho tuổi teen hàng đầu Việt Nam, rồi từ bỏ công việc, địa vị để đi du học, trở thành giảng viên một trường đại học danh tiếng của Hà Lan. Tuy nhiên, điều khiến cô nổi tiếng hơn cả chính là tư thế “lúc nào cũng hăm hở lên đường với trái tim trần trụi, để được con người, cảnh vật, sự việc nơi cô tới đong đầy cảm xúc”.
Liên tiếp các cuốn sách thuộc thể loại du ký được xuất bản, tái bản trong thời gian gần đây. |
Cũng chọn hình thức du lịch bụi, với 700 USD trong túi, Huyền Chip ở tuổi 20 đã từ bỏ công việc mơ ước ở Singapore để đi vòng quanh thế giới chỉ với cái tặc lưỡi “đi bừa đi”. Hành trình của cô được kể lại trong cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”, tập 1 mang tên “Châu Á là nhà. Đừng khóc”. Trong cuốn sách gần 500 trang này, Khánh Huyền đã kể lại tỉ mỉ từng bước chân trên hành trình châu Á của mình. Cuốn sách hiện đã được tái bản, và tập hai của bộ sách cũng đã được Huyền Chip viết xong, chờ ngày xuất bản.
Trước đó, hàng loạt sách theo thể loại du ký cũng được đón nhận. Có thể tìm thấy văn hóa, ẩm thực, lối sống châu Âu trong những trang viết của Ngô Thị Giáng Uyên với "Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương“ và “Bánh mì thơm, cà phê đắng”. Hay cũng là một châu Âu, nhưng đầy khắc khoải trong "Một mình ở Châu Âu" của Phan Việt.
Thể loại ký văn học tưởng chừng dễ viết, dễ tiếp cận độc giả và bất cứ ai cũng viết được, nhưng để viết hay, hấp dẫn lại là một thách thức lớn. Theo lý thuyết, ký là sản phẩm giao thoa của văn học và báo chí; là thể loại ghi lại những người, những việc, những cảm nhận, những suy nghĩ… mà tác giả đã gặp, đã thấy, đã nghe, trải qua với tư cách một nhân chứng, sau một chuyến thâm nhập thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai thực hiện một chuyến “du” là có thể “ký” thành công. Ngay cả với các tác giả kể trên có tác phẩm du ký được ưa chuộng cũng mỗi người một cách viết khác nhau.
Nếu như Trần Hùng John và Huyền Chip chọn lối viết giản dị, ghi lại tỉ mỉ những gì mắt thấy tai nghe trên hành trình, thì với Anh Ngọc, Phương Mai lại là những suy tư, cảm xúc, nhận định đưa ra dựa trên những trải nghiệm của chuyến đi. Trần Hùng John mang tới những chi tiết, cuộc sống của người Việt tưởng chừng quá thân quen ai cũng biết, nhưng lại hấp dẫn người đọc qua cách nhìn nhận, đánh giá của một anh chàng học rộng người Mỹ. Còn cuốn “Xách ba lô lên và đi” không chỉ gây ngạc nhiên bởi bản lĩnh của cô bé hạt tiêu 20 tuổi, mà còn tạo được sự gần gũi với khán giả bằng lối viết chân chất như chính cô thừa nhận: “Tôi không phải là dân văn, không rành về cấu trúc văn phong, cũng không mặn mà với những từ đao to búa lớn. Tôi chỉ chân chất có gì kể nấy, bạn tôi đọc xong phải phá lên cười bởi đọc sách mà cứ như nghe tôi kể chuyện vậy”.
Trong khi đó, Anh Ngọc và Phương Mai lại là những người dụng công với câu chữ trong hai cuốn sách của mình. Đều là nhà báo, và đều đưa đầy ắp dữ liệu – một đặc trưng của ký báo chí – vào các bài viết của mình, song cả “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” và “Tôi là một con lừa” đều là những trang văn đẹp. Người đọc có thể tìm thấy một Italy lãng mạn, bay bổng, hoa tình qua cách nhìn, cách viết của Anh Ngọc. Trong khi đó, Phương Mai với tư duy tổng hợp đã mang tới một hành trình theo vết di cư của loài người vừa đẹp hùng vĩ, vừa sắc sảo trong những nhận định, khắc khoải trong những suy tư của cả một cộng đồng người hay cả một thời đại nào đó mà nhân loại đã trải qua.
Cùng với đi phượt, những chuyến du lịch, văn học du ký ngày càng nở rộ. Văn học du ký sẽ còn phát triển hơn nữa khi ngày càng có nhiều nhà xuất bản chú trọng hơn tới dòng sách này. Trước mắt, có thể thấy bản thảo tập hai trong series “Lên đường với trái tim trần trụi” của Phương Mai kể về hành trình đi qua các nước Hồi Giáo, bản thảo tập hai chuẩn bị xuất bản của Huyền Chip trong series “Xách ba lô lên và đi” kể về chuyến đi qua châu Phi và châu Mỹ; phần hai trong bộ “Bất hạnh cũng là một tài sản” của Phan Việt và rất nhiều cuốn sách văn học du ký khác đang chờ ra mắt.
theo VNE
Bình luận (0)