Chỉ vì thành tích đẹp, tỉ lệ tốt nghiệp THPT 100% mà nhiều trường đã tìm cách loại học sinh yếu kém ra khỏi trường mình, mặc cho những hệ quả nặng nề mà học sinh phải gánh chịu.
Thực trạng nhức nhối trên diễn ra khi toàn ngành giáo dục đã bước vào năm thứ năm thực hiện cuộc vận động “nói không” với căn bệnh này!
Thầy và trò lớp 12A1 Trường THPT tư thục Hữu Hậu, Q.Tân Bình, TP.HCM ôn bài môn hóa lúc 19g ngày 9-4. Ngoài lịch học sáng và chiều, học sinh trường này phải "chạy" thêm ca ba từ 17g30-21g – Ảnh: Như Hùng |
Chưa bước vào kỳ thi nhưng khá nhiều trường THPT đã tự tin về tỉ lệ tốt nghiệp 100% của mình. Sự tự tin đó bắt nguồn từ quá trình sàng lọc, lựa chọn học sinh khá giỏi, đồng thời loại những học sinh trung bình, yếu.
Chuyện đã và đang đều đặn diễn ra ngay ở TP.HCM. Không ít học sinh (HS) chỉ trong ba năm học bậc THPT phải chuyển trường đến ba, bốn lần. Thậm chí đến đầu học kỳ hai của năm lớp 12, cả trăm HS vẫn còn mang hồ sơ đi tìm trường xin nhập học.
Buộc phải ra đi
Tiếp xúc với chúng tôi tại ngôi trường mới, K.K., “cựu” HS Trường QVSG, kể: “Nhà trường thỏa thuận với phụ huynh HS trung bình, hoặc tự rút hồ sơ, hoặc HS sẽ bị xếp vào lớp đặc biệt với học phí và lịch học dày gấp đôi bình thường nhằm tăng cường kiến thức đủ để thi đậu tốt nghiệp”. Đầu học kỳ hai vừa qua, nhà trường đưa ra kết quả K. có ba môn thi học kỳ một dưới điểm trung bình và đề nghị lựa chọn hai giải pháp trên. Mẹ của K. đành quyết định tự rút hồ sơ chuyển con đi trường khác.
K. và gia đình mang hồ sơ đi rất nhiều trường nhưng thời điểm tháng 12-2009 các trường đều từ chối với lý do “không đủ thời gian ôn tập đảm bảo đậu tốt nghiệp”. Cuối cùng, K. được nhận vào Trường tư thục Hữu Hậu sau một bài kiểm tra học lực và tâm lý.
K. tâm sự: “Chương trình học mỗi trường mỗi khác, giáo viên, bạn bè cũng khác và phải chuyển trường đột ngột trong thời gian ngắn nên em rất mất tinh thần và lo lắng về chuyện đậu tốt nghiệp. Sau kỳ họp phụ huynh cuối cùng, nhiều bạn trong lớp phải chuyển đi nhiều trường khác nhau. Có bạn chán nản đã về quê học bổ túc hoặc nghỉ học hẳn”. Trong ba năm học phổ thông tại TP.HCM, K. đã phải chuyển trường tới ba lần, học qua bốn trường khác nhau.
Trong khi đó, T.Q., “cựu” HS Trường tư thục HĐ, kể: “Sau khi có kết quả cuối năm lớp 11, nhà trường họp và cho phụ huynh chọn lựa: hoặc là nhà trường sẽ tạo điều kiện về điểm số để giới thiệu qua một trường khác, hai là cho HS ở lại nhưng phụ huynh phải cam kết nếu trong ba tháng hè không tiến bộ hoặc vi phạm nội quy sẽ phải thôi học. Nhưng quy định về vi phạm nội quy rất mập mờ nên trong thời gian “thử thách” đó, nhiều bạn chỉ phạm lỗi nhẹ cũng buộc phải chuyển đi mà gia đình không thể kiện cáo gì”.
Ám ảnh thành tích
Chúng tôi đã tìm gặp hiệu trưởng một trường tư thục ở Q.Tân Phú, TP.HCM có sàng lọc kỹ HS. Ông thẳng thắn: "Từ đầu năm học này trường đã cho chuyển đi khoảng 20 HS học xong lớp 11 được dự đoán không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Đây là nỗ lực để đưa tỉ lệ đậu tốt nghiệp từ 95% của năm trước lên cao hơn hoặc đạt 100% vào năm nay. Trên đà như vậy, trong 1 – 2 năm tới, trường sẽ nâng tiêu chuẩn đầu vào, chỉ tuyển HS khá, giỏi và không có HS rớt tốt nghiệp".
Lãnh đạo một trường tư thục khác cũng ở Q.Tân Phú hé lộ bí quyết đạt tỉ lệ tốt nghiệp cao. Đó là sau kỳ tuyển lựa gắt gao vào mùa hè năm 2009, từ 12 lớp khối 11, chỉ lọc lại còn bảy lớp 12 “chất lượng”. Ngoài ra, nhà trường cũng xét học bạ để tuyển HS giỏi ở nơi khác về nhằm phấn đấu tăng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp.
Trên thực tế tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT là tiêu chí đầu tiên để phụ huynh chọn trường dân lập, tư thục cho con mình. Tỉ lệ cao thì khâu tuyển sinh của các trường mới thuận lợi. Vì vậy, việc chạy đua theo con số “100% đỗ tốt nghiệp” khiến các trường ngoài công lập phải gồng mình dạy, học, song song với việc lọc bớt những HS khó đậu tốt nghiệp.
Hậu quả nặng nề
Ở phía các trường tiếp nhận HS, ông Văn Đức Kim, hiệu trưởng Trường Hoàng Diệu (Q. Tân Bình), tâm tư: “Cứ tình hình các trường vì thành tích mà tìm cách chuyển những em yếu kém đi thì các em này sẽ chịu áp lực tâm lý hết sức nặng nề, mà kết quả học tập không được cải thiện. Theo tôi, đã là giáo dục thì không phân biệt đối xử”. Ở Trường Hoàng Diệu, chỉ tính riêng đầu học kỳ hai vừa qua đã nhận thêm 40 HS chuyển từ trường khác đến, trong đó gần một nửa là HS lớp 12.
Hậu quả đáng lo ngại của việc sàng lọc sát sao không dừng lại ở chỗ xáo trộn sinh hoạt học tập của HS. Nhiều HS đã phải chuyển tới 2, 3 thậm chí 4 trường mới được vào học ổn định. Không ít HS đến năm lớp 12 hoặc đầu học kỳ hai – khi chỉ còn vài tháng là tới ngày thi, vẫn được đề nghị chuyển trường. Nhưng nguy hiểm hơn, vì đã yên tâm ở "đầu ra" nên nhiều trường không quan tâm nhiều đến đối tượng HS yếu kém hoặc cố tình "làm đẹp" hồ sơ để dễ chuyển trường.
Ông Nguyễn Tuấn Hải (chủ Trường THPT tư thục Hữu Hậu, Q.Tân Bình) cho hay: “Có những HS lớp 12 vừa chuyển về trường chúng tôi không giải được toán lớp 10. Việc cho HS lên lớp “khống” hoặc nâng điểm số để dễ chuyển trường sẽ để lại một hệ quả là nhiều HS bị mất căn bản, lỗ hổng kiến thức ngày càng lớn”. Riêng đầu học kỳ hai này có khoảng 20 HS lớp 12 từ trường khác chuyển về Trường Hữu Hậu. Năm học 2008 – 2009 trường này cũng nhận khá nhiều HS chuyển về với học lực dưới trung bình, khiến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT chỉ đạt 30,6%.
Ba nhóm trường
TP.HCM hiện có gần 70 trường phổ thông dân lập, tư thục. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vài năm gần đây cũng dần chia các trường này thành ba nhóm. Nhóm một là các trường thuộc tốp chất lượng cao mà danh tiếng cũng như quy mô nhà trường cho phép đòi hỏi cao ở tiêu chuẩn đầu vào, hầu như họ chỉ nhận HS khá và giỏi với hạnh kiểm “sạch sẽ” để duy trì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 100%.
Những trường tốp giữa, nếu nhận HS lớp 12 chuyển từ trường khác qua thì HS này phải đạt học lực khá, hạnh kiểm khá trở lên, còn HS các khối khác nếu học lực chưa tốt vẫn có thể nhận để… “từ từ đào tạo”.
Riêng số trường ở tốp cuối có khả năng nhận tất cả HS ở mọi loại học lực, trừ HS hạnh kiểm yếu, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là những trường hoặc mới hoạt động, hoặc quy mô nhỏ, đang cần HS hoặc không lấy thành tích đỗ tốt nghiệp 100% làm mục tiêu phát triển.
|
Theo LƯU TRANG / TTO
Bình luận (0)