Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Loài kiến có bụng căng phồng như hũ mật

Tạp Chí Giáo Dục

Những con kiến mật có chiếc bụng tròn căng phồng, đóng vai trò như các kho lưu trữ thức ăn sống trong tổ.

loai-kien-co-bung-cang-phong-nhu-hu-mat

Kiến mật có chiếc bụng to bằng một quả nho.

Tên gọi của kiến mật bắt nguồn từ chiếc bụng giống một hũ mật nhỏ. Nhiệm vụ của kiến mật trong đàn khá đơn giản. Chúng phụ trách kho thức ăn cho cả đàn.

Kiến mật tiêu thụ thức ăn do kiến thợ đem đến và lưu trữ các chất dinh dưỡng ở dạng nước, chất lỏng và chất béo. Theo thời gian, chất lỏng bên trong khiến bụng chúng căng phồng lên, đạt kích thước bằng một quả nho.

Theo Strange Animals, kiến mật thường được phát hiện ở những khu vực khô nóng trên khắp thế giới, nơi thức ăn và nước uống trở nên khan hiếm trong thời gian dài. Nhiều loài kiến mật sống ở sa mạc nắng nóng trong khi số khác cư trú ở các vùng chuyển tiếp. Một số ít tồn tại ở những vùng rừng có khí hậu mát mẻ nhưng rất khô.

loai-kien-co-bung-cang-phong-nhu-hu-mat-1

Kiến mật thường sống ở những khu vực khô nóng trên thế giới.

Kiến mật có thể xuất hiện ở mọi nơi trong tổ, nhưng chúng thường hiện diện ở những nơi sâu nhất trong tư thế treo ngược mình trên nóc đường hầm tổ kiến. Kích thước bụng lớn buộc chúng trải qua toàn bộ thời gian ở yên một chỗ.

Trong thời kỳ khó khăn, khi thức ăn không đủ để duy trì tổ kiến, kiến mật sẽ hy sinh thân mình để làm mồi cho những con kiến khác, hoặc phun các chất dự trữ ra ngoài. Ở trường hợp thứ hai, kiến thợ chọc râu vào bụng kiến mật, thúc đẩy chúng nôn ra chất lỏng.

loai-kien-co-bung-cang-phong-nhu-hu-mat-2

Kiến thợ mang thức ăn cho kiến mật.

Thức ăn của kiến mật là mật hoa và dịch cây chứa nhiều đường. Chúng cũng ăn chất lỏng từ côn trùng khác, dịch ngọt của rệp vừng và động vật chết. Kiến thợ rời tổ để kiếm thức ăn. Sau khi tìm thấy thức ăn, chúng ăn hết và quay trở về tổ. Kiến thợ sẽ tới thăm những người bạn bất động của mình, nôn ra một phần bữa ăn và bón cho kiến mật.

Chất lỏng trong bụng kiến mật có bị rất ngọt và là một nguồn đường bổ dưỡng. Một số bộ lạc thổ dân ở Australia thỉnh thoảng vẫn ăn kiến mật.

Henry C. McCook, một nhà tự nhiên học người Mỹ, là người đầu tiên ghi chép về kiến mật vào năm 1881.

Phương Hoa (theo vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)