Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) vừa thông báo về một phụ nữ tại nước này được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, sau chuyến du lịch đến Trung Á.
Theo Bloomberg, người phụ nữ được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Cambridge NHS Foundation Trust chẩn đoán nhiễm virus gây bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo. Đây là bệnh do virus trong bọ chét lây truyền sang động vật gia súc. Bệnh nhân này được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Royal Free London, Anh.
TS Susan Hopkins, cố vấn y tế của UKHSA, cho biết virus này không dễ lây lan trong cộng động và nguy cơ rất thấp. Đây là ca nhiễm thứ 3 được ghi nhận tại Anh. Các trường hợp trước đó được báo cáo vào năm 2012 và 2014, cả hai đều không có lây nhiễm thứ phát.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong của bệnh này khá cao, dao động 10-40% ca nhiễm tử vong, thường vào tuần thứ hai sau khi người bệnh nhiễm virus.
Bọ ve Hyalomma là vật mang mầm bệnh chính làm lây truyền sốt xuất huyết Crimean-Congo.
Ở những bệnh nhân hồi phục, sức khỏe của họ cải thiện rõ rệt từ ngày thứ 9 hoặc 10 sau khi phát bệnh. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột gồm: sốt, đau cơ, chóng mặt, đau và cứng cổ, đau lưng, nhức đầu, đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
Người bệnh cũng có thể buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và đau họng ngay từ giai đoạn sớm, sau đó là tâm trạng bất ổn, lú lẫn.
Các dấu hiệu khác gồm phát ban trong miệng và cổ họng, nhịp tim nhanh và xuất hiện hạch bạch huyết mở rộng.
Tiến sĩ Hopkins cho biết UKHSA đang phối hợp để truy vết những người tiếp xúc gần người phụ nữ này. “UKHSA và NHS có các quy trình kiểm soát nhiễm trùng rất tốt, nghiêm ngặt nhằm đối phó với các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm từ người nhập cảnh. Những quy định này sẽ được tuân thủ nghiêm”, bà nói thêm.
Theo tiến sĩ Sir Michael Jacobs, chuyên gia tư vấn về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Royal Free London, đây là trung tâm chuyên điều trị cho những ca nhiễm virus như bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo. Đơn vị cách ly cấp cao của họ có nhóm chuyên gia bác sĩ, y tá, nhà trị liệu, nhân viên phòng thí nghiệm để đảm bảo điều trị an toàn cho những bệnh nhân mắc các loại bệnh nhiễm trùng như vậy.
Virus gây bệnh này chưa từng được được phát hiện trong cộng đồng tại Anh. UKHSA khuyến cáo bất kỳ ai ghé thăm những khu vực có bọ ve Hyalomma nên có biện pháp bảo vệ như hạn chế đi lại, sử dụng thuốc chống bọ ve và mặc quần áo dài tay.
Bọ ve Hyalomma là vật mang mầm bệnh chính làm lây truyền sốt xuất huyết Crimean-Congo. Theo WHO, con người cũng có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc các mô động vật chứa virus trong và sau khi giết mổ động vật.
Các đợt bùng phát bệnh này từng là mối đe dọa với dịch vụ y tế công cộng các nước vì virus có thể gây bùng nổ dịch, tỷ lệ tử vong cao và nhiều nơi sẽ phải chịu áp lực lên hệ thống y tế. Căn bệnh này rất khó phòng ngừa, điều trị. Hiện tại, sốt xuất huyết Crimean-Congo là bệnh đặc hữu (lưu hành) ở châu Phi, Balkan, Trung Quốc, châu Á.
Nó được mô tả lần đầu tiên vào năm 1944 ở Crimea và được đặt tên là sốt xuất huyết Crimea. Năm 1969, các quan chức y tế thế giới công nhận mầm bệnh gây ra sốt xuất huyết ở Crimea tương tự loại gây bệnh ở Congo vào năm 1956. Vì mối liên kết của hai địa danh, bệnh được đặt theo tên ghép như vậy.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), loài bọ ve mang mầm bệnh đã xuất hiện tại Bắc Phi và châu Á, đồng thời cũng có mặt ở Nam – Đông Âu.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)