Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Loạn các cuộc thi sắc đẹp HSSV

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc thi Hoa khôi Trường ĐH Thương mại năm 2012

Ở Việt Nam, không chỉ loạn các cuộc thi sắc đẹp dành cho phái nữ mà ngay trong các trường học, các cuộc thi này cũng được tổ chức một cách rất thường xuyên. Các cuộc thi sắc đẹp của học sinh, sinh viên (HSSV) nhiều đến nỗi, có người nghĩ hình như những HSSV “đẹp đẹp” chỉ ăn và đi thi.
Đóng góp cho sự phát triển rầm rộ và sức hút của các cuộc thi Miss teen không thể không kể đến một số trang báo mạng dành cho giới trẻ.
Hoa khôi khắp phố
Cuối năm, đầu năm, giữa năm… lúc nào cũng thấy có cuộc thi sắc đẹp ở đâu đó trong các trường phổ thông, các trường ĐH, CĐ.
Những cuộc thi như Miss Thăng Long… dành cho tất cả SV thì ở cấp trường cũng có những cuộc thi tương tự. ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, ĐH Sư phạm Hà Nội có cuộc thi Nữ sinh thanh lịch. ĐH Mỏ địa chất, ĐH Quốc gia Hà Nội có cuộc thi Hoa khôi SV. ĐH Phương Đông có Tài sắc Phương Đông, Học viện Báo chí tuyên truyền có Press Beauty… Các trường khối công an, khối quân sự cũng có cuộc thi của mình. Thậm chí, ĐH Bách khoa Hà Nội, vốn có truyền thống là trường kỹ thuật với tỷ lệ SV nam chiếm đa số cũng có cuộc thi Nữ sinh thanh lịch. Các trường như ĐH Sân khấu Điện ảnh, ĐH Chu Văn An cũng có các cuộc thi dành cho những người đẹp.
Ở cấp phổ thông, các trường THPT cũng không kém cạnh. THPT chuyên Hà Nội Amsterdam có Ngày hội anh tài, THPT Việt Đức có Miss Việt Đức, THPT Chu Văn An cũng có Miss Chu Văn An…
Như vậy, các cuộc thi sắc đẹp ở các trường ĐH, CĐ, THPT có đủ cả, từ trường công đến trường tư, trường lớn đến trường chưa lớn. Đặc biệt, trong ngày 29-11 vừa qua, chỉ một đêm, Hà Nội có tới hai cuộc thi sắc đẹp dành cho SV đó là chung kết Miss Thăng LongHoa khôi SV của ĐH Mỏ địa chất.
“Hoa ép nở”
Điều dễ dàng nhận thấy ở các cuộc thi sắc đẹp cấp trường đó là những gương mặt còn búng ra sữa đã tô vẽ dày son phấn khiến các em đều già hơn so với tuổi. Không cần hỏi cũng biết nội dung những cuộc thi này chủ yếu xoay quanh việc trình diễn áo dài, áo dạ hội, thể hiện tài năng và ứng xử. Nội dung nghèo nàn đã khiến các cuộc thi dần đi vào lối mòn, không còn sức hấp dẫn. Rồi những vương miện được trao cho các danh hiệu và các “hot girl”, “hot boy” mang danh hiệu này vào đời với niềm hãnh diện. Sự tung hô của các trang mạng xã hội cũng đã khiến nhiều nữ sinh thanh lịch, hoa khôi thanh lịch lầm tưởng về tài năng và sắc đẹp của mình và họ đã trượt dốc.
Người mẫu Hồng Quế là một ví dụ tiêu biểu. Đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông nhưng Quế đã nổi đình nổi đám với scandal này kia. Và mới đây nhất, dù không phải là khách mời những cô đã diện váy xuyên thấu để đến Liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Hà Nội với mục đích duy nhất là chụp ảnh. Sắc đẹp có, vương miện nọ kia đều có nhưng dường như những hoa khôi tuổi teen vẫn chưa đủ bản lĩnh để thích ứng với mức độ nổi tiếng của mình và họ đã phải trả giá. Hậu quả này không thể không kể đến xuất phát điểm đầu tiên là từ các cuộc thi sắc đẹp cấp trường.
Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các sở GD-ĐT phải báo cáo rà soát các cuộc thi sắc đẹp tại các trường. Bởi theo lãnh đạo Vụ Công tác HSSV thì thời gian vừa qua, qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri cho rằng các cuộc thi này không mang lại hiệu quả giáo dục. 
Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế hiện nay, sân chơi cho HSSV thực sự đang rất nghèo nàn. Ở các trường ĐH, chỉ có cuộc thi tiếng hát SV, ở phổ thông chỉ có Hội khỏe Phù Đổng là liên quan đến hoạt động văn thể mỹ. Sự nghèo nàn này đã tạo cơ hội cho các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức. Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, ngành giáo dục phải tìm ra được sân chơi bổ ích cho HSSV bên cạnh việc dạy và học.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)