Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Loạn chuẩn đầu ra ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) phải đạt trình độ ngoại ngữ nhất định sau khi tốt nghiệp, song chuẩn đầu ra ngoại ngữ hiện mỗi trường một kiểu. Kết quả là nhiều sinh viên ra trường vẫn không sử dụng được ngoại ngữ trong công việc.

Học ngoại ngữ ở trường chưa đủ, một số SV Việt Nam nâng cao ngoại ngữ bằng cách giao tiếp với người nước ngoài ở các công viên (Ảnh chụp tại công viên 23-9).
Mỗi trường một chuẩn
Chưa bao giờ quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ của các trường ĐH, CĐ loạn như hiện nay. Nhiều trường quy định SV tốt nghiệp phải có chứng chỉ trình độ B, song có trường yêu cầu phải đạt trình độ C, hoặc chứng chỉ TOEFL, IELTS, TOEIC…
Ở ĐH Công nghiệp TPHCM, sinh viên tốt nghiệp phải đạt chứng chỉ tiếng Anh trình độ C; ĐH Giao thông Vận tải TPHCM quy định chỉ chứng chỉ B hoặc các chứng chỉ IELTS 4, TOEIC 405-500, TOEFL Paper 437-473, TOEFL CBT 123-150, TOEFL iBT 41-52; ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM: chứng chỉ TOEIC 350; ĐH Mở TPHCM: TOEFL 450, 500 hoặc các trình độ khác tương đương (tùy theo ngành).
Một số trường lại yêu cầu có chứng chỉ tiếng Anh của chính trường này hoặc một số ít trường khác cấp, khiến không ít sinh viên gặp trở ngại. ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải có chứng chỉ B của một trong 6 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật (ngoại trừ Khoa Quan hệ quốc tế yêu cầu TOEFL 500) do các trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM cấp. Đây là lý do khiến SV khóa 2006 – 2010 có đến 65% không được tốt nghiệp (chỉ có khoảng 820/2.390 sinh viên được ra trường đúng thời hạn).
Một số trường khác lại quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ dễ dãi như ĐH Cần Thơ, một số ngành quy định khá mơ hồ: Có vốn tiếng Anh đủ để đọc sách (sách chuyên ngành) hoặc chỉ cần chứng chỉ A hoặc B (một số ngành đặc thù). ĐH Đà Nẵng thì quy định với các tiêu chí chung chung như đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài thành thạo; viết báo cáo chuyên môn, văn bản giao dịch bằng tiếng nước ngoài chuẩn mực; giao tiếp, trình bày báo cáo tham luận trôi chảy bằng tiếng nước ngoài; biết hai ngoại ngữ trong đó có tiếng Anh…
Khi các trường tự bơi
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là một trong những yêu cầu mà GD&ĐT đưa ra trong việc thực hiện “ba công khai” (công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, chất lượng giáo dục thực tế và thu chi tài chính) từ ngày 15-1-2010. Tuy nhiên, các trường đang tự bơi để tự đưa ra một chuẩn ngoại ngữ đối với sinh viên tốt nghiệp.
Th.S. Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo ĐH Tài chính Marketing TPHCM cho rằng: Hiện chưa có một chuẩn ngoại ngữ nào có thể áp dụng cho tất cả các trường. Bởi ở các ĐH vùng, ĐH địa phương, điều kiện học ngoại ngữ của sinh viên không được như các trường ĐH ở các thành phố lớn. Bộ GD&ĐT quy định phải có chuẩn ngoại ngữ nhưng hiện các trường phải tự quy định chuẩn riêng mình.
Theo ông Tuấn, sở dĩ có việc loạn chuẩn ngoại ngữ là do các trường phải tự bơi. ĐH Tài chính Marketing TPHCM phải ký hợp tác với Toic Việt Nam và đi khảo sát việc sử dụng tiếng Anh ở các doanh nghiệp theo từng ngành nghề cụ thể, sau đó mới đưa ra thang điểm cho từng ngành của trường. Trên cơ sở đó, trường đối chiếu với năng lực học tập của sinh viên và khả năng đào tạo của trường để đưa ra mức chuẩn ngoại ngữ cho sinh viên khi tốt nghiệp.
Trưởng phòng đào tạo của một trường thuộc ĐHQG TPHCM cho rằng: “Các trường nếu áp dụng đúng theo nhu cầu của xã hội, nghĩa là SV học ngành nào, ra trường làm việc áp dụng thành thạo ngoại ngữ vào công việc của ngành đó thì có lẽ rất ít SV đạt được, thậm chí chính trường ĐH đó cũng không đáp ứng được”.
Để tạo điều kiện cho SV tốt nghiệp đúng thời hạn và có chứng chỉ ngoại ngữ theo đúng chuẩn mà trường đưa ra, các trường đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như: Thi phân loại đầu vào tiếng Anh, sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ có trình độ tương đương nhau.
Th.S Tuấn cho rằng: Các trường không nên chỉ áp dụng một loại chứng chỉ ngoại ngữ duy nhất. Nếu SV đã đạt được một chứng chỉ ngoại ngữ nào đó ở một trình độ nhất định thì nên đối chiếu chứng chỉ đó có tương đương với yêu cầu chuẩn ngoại ngữ của trường hay không? Miễn sao các em có vốn ngoại ngữ thực sự để áp dụng vào công việc là được.
Quang Phương / TPO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)