Băng rôn giới thiệu các chương trình HKTQĐ treo khắp nơi
|
Còn vài ngày nữa, các em học sinh (HS) sẽ bước vào kỳ nghỉ hè. Thời điểm này, tại các trường học hoặc những trục đường chính trên địa bàn TP xuất hiện rất nhiều băng rôn, tờ bướm giới thiệu hàng loạt chương trình rèn luyện kỹ năng trong hè.
Không thể phủ nhận những giá trị sống, kỹ năng quan trọng mà các khóa học trên mang lại cho HS. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, vài năm trở lại đây, hoạt động này đang bị thương mại hóa một cách vô tội vạ.
Học phí ngày càng tăng
Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nhẩm tính sơ sơ chúng tôi đếm được không dưới 50 trung tâm, đơn vị trong Nam ngoài Bắc đang “chạy” chương trình rèn luyện kỹ năng sống với tên gọi “Học kỳ trong quân đội”. Đánh vào tâm lý của phụ huynh, các đơn vị “tuyển quân” thường đưa ra những khẩu hiệu rất kêu như: Định hướng nhân cách, vun đắp tình yêu thương quê hương đất nước, rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt theo đúng môi trường quân ngũ… Một số đơn vị do muốn cạnh tranh và cũng là để thu mức học phí “trên trời” đã không ngần ngại “quăng bom” khi giới thiệu sẽ trang bị cho các “chiến sĩ” những kỹ năng quân sự nâng cao như: Các thế võ tự vệ của quân đội, thực hành tháo ráp súng, hành quân, đánh trận giả… hoặc tạo điều kiện để học viên được tận mắt chứng kiến những trận địa pháo, biệt đội máy bay chiến đấu của Quân đội Việt Nam… Những “lời có cánh” nói trên khiến không ít em HS và gia đình ngây ngất.
Chị Nguyễn Phương Nhung (Q.Bình Thạnh) cho biết: “Không chỉ tới hè họ mới tổ chức mà ngay trước tết tôi cũng thấy một số đơn vị đã tranh thủ làm chương trình này. Chưa biết chất lượng ra sao nhưng thấy con một mực đòi đăng ký, tôi cũng bấm bụng chiều theo dù biết học phí khá cao. “Không biết cháu sẽ rèn luyện được những kỹ năng gì, nhưng để con được một lần “làm lính”, vợ chồng tôi đã mất đứt gần 7 triệu đồng”, chị Nhung chia sẻ.
Hiện tại, mức học phí khi tham gia chương trình “Học kỳ trong quân đội” dao động từ 4,8-40 triệu đồng/người. Đơn cử như chương trình “Phòng không sơ cấp” kéo dài 10 ngày có mức học phí 4,8 triệu đồng; chương trình “Hải quân sơ cấp”, “Hải quân trung cấp” có giá từ 6,2-6,7 triệu đồng/người cho khóa học 10 ngày. Một số đơn vị còn kết hợp với việc cho học viên ra nước ngoài tham gia các lớp làm lãnh đạo trẻ (Công ty cổ phần Đào tạo tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương) với mức học phí từ 28-40 triệu/tháng/người.
Chất lượng ngày càng “nhạt”
Đây là điều mà nhiều hiệu trưởng trường phổ thông chia sẻ với chúng tôi về các lớp rèn luyện kỹ năng trong hè và các lớp “Học kỳ trong quân đội” hiện nay. Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.3 tâm sự: “Các chương trình “Học kỳ trong quân đội” hiện nay đa phần mang tính thương mại hóa chứ không có gì mới ngoài vài kiểu như cho HS tập làm lính, hành quân, tập trận, tháo ráp súng… Bên cạnh đó, mấy lớp học kỹ năng cũng quên đi việc làm sao để tạo được những chương trình hấp dẫn, giúp các em rèn luyện. Không chỉ cạnh tranh nhau về mức giá, nhiều đơn vị còn đặt thẳng vấn đề với nhà trường về % hoa hồng nếu như nhà trường vận động HS tham gia đông. Điều đó cho thấy, các lớp học của một số đơn vị hiện nay thuần chất là làm kinh tế”. Hậu quả của kiểu làm ăn “chụp giật” trên đã khiến cho những ấn tượng đẹp về một chương trình hay, mang lại nhiều lợi ích cho HS (xuất phát ban đầu từ Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam) đang dần mất đi. Chị Phạm Hải Trang (Q.1) cho con tham gia chương trình “Học kỳ trong quân đội” tại tỉnh Bình Định năm ngoái vẫn chưa hết sốc khi nói với chúng tôi: “Hoàn thành khóa học, con tôi trở nên rắn rỏi, khỏe khoắn hơn. Nhưng điều khiến tôi thấy sốc nhất chính là việc cháu biết uống rượu. Theo lời cháu kể thì đêm nào cháu cũng uống rượu với người dân”.
Bên cạnh những hậu quả đáng tiếc trên, việc học viên và gia đình tố chương trình “treo đầu dê – bán thịt chó” cũng không hiếm. Em Nguyễn Thị Thảo (P.Thảo Điền, Q.2) chia sẻ: “Bản thân em là người tham gia khóa học năm ngoái của một đơn vị tại Đắk Lắk nhưng chẳng thấy có ích gì mấy. Mọi thứ giống y chang chương trình học quân sự ở trường. Vào đây, tụi em chỉ được thực hành gấp chăn mền, tập đi hành quân chứ thực sự chẳng có gì ngoài vui chơi rồi ăn ngủ”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Trần Thị Kim Liên, Phó giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, bức xúc: “Theo chỉ thị của Trung ương Đoàn, chỉ có tỉnh đoàn của 63 tỉnh thành, 3 trung tâm của ba khu vực Bắc – Trung – Nam cùng 3 đơn vị của quân đội được triển khai chương trình “Học kỳ trong quân đội”. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận có đến 61 đơn vị tư nhân tham gia triển khai chương trình dưới danh nghĩa “Trại hè quân đội”; “Du lịch quân đội”; “Khúc quân hành”… Chính việc thương mại hóa một cách bất chấp quy định đã phần nào bóp méo ý nghĩa và giá trị của chương trình này”.
Bài, ảnh: Lê Quang
Ngày 21-5, Tổng cục Chính trị QĐNDVN đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy T.Ư về việc tạm dừng triển khai chương trình Học kỳ trong quân đội (HKTQĐ) năm 2012. Theo đó, tại phiên họp ngày 18-5, Thường vụ Quân ủy T.Ư đã giao cho Tổng cục Chính trị là cơ quan chủ trì, Ban Thanh niên quân đội là cơ quan thường trực giúp Tổng cục Chính trị, Thường vụ Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp với Trung ương Đoàn, các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành đoàn chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung chương trình HKTQĐ. Bắt đầu từ năm 2012, Tổng cục Chính trị và T.Ư Đoàn sẽ thống nhất nội dung của chương trình HKTQĐ, ký văn bản liên tịch giữa hai cơ quan làm cơ sở triển khai mô hình giáo dục này trên phạm vi toàn quốc. Trong khi chờ đợi sự thống nhất về nội dung, chương trình và ký văn bản liên tịch giữa Tổng cục Chính trị và T.Ư Đoàn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tạm dừng việc triển khai chương trình HKTQĐ năm 2012. |
Bình luận (0)