Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Loạn đề cương ôn tập

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên sợ học sinh học không đúng trọng tâm, học sinh sợ điểm thấp, đề cương soạn sẵn nhờ vậy mà thành “bửu bối”.
Nhiều năm nay, các trường THPT ở TP.HCM đều có đề cương ôn tập tự soạn cho từng môn học. Nội dung đề cương mỗi trường mỗi khác, mỗi lớp mỗi khác. Đây là tài liệu gần như bắt buộc vì nó được soạn sẵn, cho sao chụp lại theo sĩ số từng lớp, còn học sinh (HS) chỉ việc bỏ tiền ra mua và học theo đó.
Học thuộc đề cương là điểm cao
Một HS lớp 11 của Trường THPT Marie Curie (quận 3) cho biết chỉ trừ môn lịch sử, hầu hết các môn đều có đề cương. Tại Trường THPT Hùng Vương (quận 5), tài liệu đề cương môn lịch sử lớp 11 ngoài phần nội dung ghi sẵn của giáo viên còn có phần chừa trống để học sinh điền thêm khi nghe giảng. D.Minh, HS lớp 10 Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2), than thở: “Hồi học cấp 2, mỗi khi đến kỳ thi học kỳ, tụi em mới có đề cương ôn tập chỉ vài trang A4, nêu ngắn gọn những nội dung cần tập trung ôn tập thôi. Lên cấp 3 em mới biết có cuốn đề cương này. Đi học phải mang theo nhiều sách, lại mang theo đề cương. Hôm nào quên mang đề cương sẽ khổ vì thầy toàn giảng trong đó, chừa chỗ trống để điền vào”.
HS nhiều trường cũng cho biết đề cương này gần như là cẩm nang hộ mệnh, bởi chỉ cần học thuộc lòng là an tâm sẽ đạt điểm cao trong các kỳ kiểm tra. Thậm chí, nhiều HS không dám học chệch với đề cương, vì sợ làm bài không đúng ý của thầy cô.

Đầy rẫy đề cương ôn tập từ lớp 10 đến 12. Ảnh: QUỐC DŨNG
M.Hiếu, HS lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), nói: “Thầy cô dạy sao em làm vậy, khi làm bài kiểm tra cứ viết đúng ý có trong đề cương là chắc chắn điểm cao, chứ còn viết theo ý mình đâu biết trúng, trật ra sao?”. Tại Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2), giáo viên môn văn trước khi kiểm tra thường giới hạn luôn chủ đề cho HS, trong đề cương cũng có cả bài làm sẵn. Bởi vậy, dù “văn người” rất khó học nhưng HS vẫn nai lưng ra học thuộc lòng từng ý chứ không dám viết theo “văn mình” vì sợ điểm thấp.
Mất tính sáng tạo
Trên thực tế, không phải giáo viên nào cũng đồng tình với đề cương soạn sẵn. Một giáo viên Trường THPT Tân Phong (quận 7) cho biết: “Tôi không hiểu sao đã có tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD&ĐT để thầy và trò xác định được trọng tâm, kiến thức cơ bản trong ôn tập mà hầu như trường nào cũng phát hành thêm đề cương. Tôi thường khuyến cáo HS chỉ xem đề cương để tham khảo chứ học trong đó chỉ được điểm trung bình. Nguy hiểm của việc có sẵn đề cương là HS chủ quan, vào lớp không chú ý nghe giảng trong khi bài giảng trên lớp của giáo viên còn rất nhiều kiến thức”.
Cũng theo giáo viên này, mục đích kiểm tra, thi cử là nhằm đánh giá lượng thông tin HS tiếp nhận được trong quá trình học tập. Lẽ ra sau khi cho câu hỏi ôn tập, giáo viên chỉ nên gợi ý để HS tự tìm hiểu, tự soạn đề cương. Điều này sẽ làm HS phát huy khả năng tư duy, luôn vắt óc suy nghĩ, cố gắng tìm ra những lời giải hay nhất thay vì bằng lòng với gợi ý sẵn có. Qua đó, giáo viên cũng sẽ dễ dàng phát hiện những HS giỏi, có năng khiếu để bồi dưỡng. Các bài làm với nội dung đa dạng, phong phú của các em còn giúp giáo viên tích lũy thêm nhiều tư liệu từ thực tiễn, bổ sung chuyên môn nghiệp vụ cho chính mình.
Tại cuộc họp chuyên môn đầu năm, một chuyên viên Sở GD&ĐT TP.HCM đã tỏ ý lo ngại về tình trạng trên. Nếu giáo viên đã quen căn cứ vào đề cương riêng của trường mình để chấm thi, chấm kiểm tra thì khi Bộ GD&ĐT bỏ chấm chéo tốt nghiệp các tỉnh, các trường TP.HCM sẽ tự chấm cho nhau mà giáo viên nào cũng cho đề cương mình là chuẩn nhất thì HS sẽ rất thiệt thòi.
Không chủ trương cũng không cấm
Sở GD&ĐT TP.HCM không chỉ đạo các trường soạn đề cương mà do tổ bộ môn các trường tự soạn và lưu hành nội bộ để củng cố kiến thức cho HS. Đây không phải chủ trương của Sở. Chúng tôi luôn đi kiểm tra để kiểm tra quy chế chuyên môn có đúng không, có bỏ bài không, dạy có đúng không… Những trường nào rút ngắn chương trình sẽ xử lý ngay. Với đề cương này, HS nào muốn mua thì mua, các trường không được bắt buộc HS phải mua.
Ông LÊ HOÀNG DŨNG, Phó Trưởng phòng Giáo trục Trung học Sở GD&ĐT TP.HCM
Mỗi trường mỗi giá
Một phụ huynh Trường THPT Hùng Vương (quận 5) cho biết: “Lẽ ra lớp 12 mới cần đến đề cương ôn tập vì học nhiều. Chứ lớp 10, 11 mà cũng phải mua đề cương thì hơi quá. Trường không bắt buộc phải mua nhưng HS nào cũng mua, chẳng lẽ con tôi không mua? Ngoài đóng hàng chục loại phí đầu năm học, con tôi còn phải mua tài liệu môn toán, lý, hóa, lịch sử với giá 6.000 đồng/môn và tiếng Anh 13.000 đồng”. Tại Trường THPT Tân Phong (quận 7), tài liệu có giá gần 150.000 đồng với các môn sinh vật 25.000 đồng; toán, vật lý 20.000 đồng, hóa 45.000 đồng… Tại các trường THPT Marie Curie, Phan Đăng Lưu… tiền mua đề cương nằm trong quỹ phụ huynh.
QUỐC DŨNG
Theo Phap luat

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)