Cha mẹ cần phải có những biện pháp để hạn chế trẻ em nam mắc bệnh loạn dục cải trang (ảnh có tính minh họa). Ảnh: I.T |
Một số bậc cha mẹ giật mình vì cậu con trai lấy trộm đồ lót của mẹ để… mặc, mặc dù cậu bé vẫn học giỏi, sinh hoạt bình thường. Đến khám tại các cơ sở điều trị tâm lý, họ mới hay con mình mắc chứng loạn dục cải trang (LDCT)…
LDCT là gì?
Các cậu bé LDCT thường bắt đầu mặc quần áo khác giới ở tuổi dậy thì, ít gặp ở tuổi thanh niên trưởng thành. Đây là sự kích thích tính dục điển hình. Với những trẻ này, một số thì ít khi mặc, một số lại cố tình mặc đồ phụ nữ bên trong đồ nam giới. Thậm chí có không ít trường hợp còn mặc đồ khác giới công khai, sử dụng nhà vệ sinh của phụ nữ…
Sau đó một số cảm thấy ân hận và xấu hổ về những ý nghĩ, hành vi của mình. Những cá nhân đó có thể nhiều lần nỗ lực để trở thành những người bình thường nhưng không thành. Họ đã từng phá bỏ tủ quần áo của mình, sau đó lại sưu tầm, tích trữ đồ phụ nữ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Không ít người trong số đó thừa nhận, việc mặc quần áo của giới đối lập để thưởng thức cảm giác tạm thời là thành viên của giới đối lập. Song, không mong muốn sự thay đổi giới tính, không có hứng thú tình dục đi kèm với sự chuyển đổi quần áo.
LDCT được định nghĩa một cách đơn giản là mặc quần áo của người khác giới trong khoảng thời gian ít nhất là trên 6 tháng.
Những người có LDCT là những người mặc quần áo của người khác giới để đem lại sự hài lòng về giới tính, khác hoàn toàn với những người rối loạn chuyển giới. Vì những người rối loạn chuyển giới luôn cảm thấy họ thực sự là thành viên của giới tính đối lập, bị cầm tù trong cơ thể khác giới – nhận dạng giới tính của họ không phù hợp với tuyến sinh dục, cơ quan sinh dục ngoài. Rối loạn chuyển giới có thể mặc quần áo của hai giới nhưng động cơ là để cho giống giới tính “đúng” hơn là để đạt được sự trỗi dậy của tính dục.
Tại sao trẻ mắc LDCT?
Giả thuyết về mối quan hệ với cha mẹ: Sự thù địch đàn ông của người mẹ đã ảnh hưởng đến con, khiến trẻ mắc chứng LDCT.
Giả thuyết của tâm lý học hành vi: Giả thuyết này cho rằng LDCT là do khi còn nhỏ, cá nhân đã được mặc quần áo khác giới. Thường là do mẹ mặc, và đây được dùng như một sự trừng phạt với tên gọi “phạt mặc váy”.
Giả thuyết phân tâm học: Quá trình phân tâm dẫn đến LDCT xuất hiện sau khi cá nhân đã củng cố được cảm giác đàn ông. Các bà mẹ của họ là những người nhiệt tình ủng hộ họ, cha thì có sự cách biệt lại đe dọa, thậm chí hay mắng mỏ hoặc sỉ nhục, hành hạ về thể xác. Hậu quả là người mẹ đã quay trở lại chiều chuộng con trai, đồng thời cổ vũ cậu bé mặc đồ phụ nữ vào bên trong hoặc ra bên ngoài. Cậu bé cho rằng, mẹ muốn mình mặc đồ con gái là nhằm phai mờ hình ảnh người cha.
Sau thời kỳ thơ ấu, quần áo phụ nữ được bé trai dùng như là biểu tượng của người mẹ, làm sống mãi sự phụ thuộc và tiếp tục nhu cầu được mẹ che chở. Bên cạnh đó nó còn là biểu tượng của sự khuất phục chiếu lệ đối với những thù địch đàn ông nhằm né tránh sự trả thù của họ…
Sở thích hoặc lựa chọn nghề nghiệp ở nam LDCT không có gì khác so với những người cùng giới tính khác. Tuy nhiên đây là một hành vi không thuận xã hội, không hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam nên cần phải được điều chỉnh. Và cha mẹ chính là người giúp trẻ điều chỉnh hành vi này ngay từ khi trẻ bắt đầu có xu hướng LDCT…
Nguyễn Thị Thanh Vân
(BV Tâm thần TP.HCM)
Bình luận (0)