Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Loạn” giấy báo trúng tuyển vào đại học, cao đẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay (15-9), ngày cuối cùng các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2). Bên cạnh những trường "bội" thu hồ sơ thì không ít trường có khá ít hồ sơ đăng ký. Chung quanh công tác xét tuyển NV2 đang xảy ra nhiều vấn đề nảy sinh, nhất là việc "loạn" giấy báo trúng tuyển vào ÐH, CÐ.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), thời gian tuyển sinh các nguyện vọng được kéo dài hơn năm ngày và thí sinh có thể rút hồ sơ đăng ký NV2 sau khi đã nộp hồ sơ trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà số thí sinh đăng ký NV2 của các trường có sự đồng đều nhau mà vẫn là " trường tuyển  không hết, trường lần chẳng ra". Ðiển hình như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có tổng chỉ tiêu ÐH là 1.150, 650 chỉ tiêu CÐ (cả cơ sở phía bắc và phía nam) với điểm xét tuyển khá cao, có ngành lên tới 18 điểm nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 vào trường vẫn lên tới  hơn 2.700 hồ sơ. Trong khi đó, Trường ÐH Thành Tây (Hà Nội) tuyển sinh NV2 gồm 894 chỉ tiêu ÐH và 200 chỉ tiêu CÐ nhưng đến hết ngày 13-9, trường mới chỉ nhận được gần 170 hồ sơ. Ðáng chú ý, Trường ÐH Thành Ðông (Hải Dương) một trong những trường có tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất nhì kỳ tuyển sinh năm học trước cũng không kém phần bi đát. Mặc dù trường có 199 chỉ tiêu ÐH, 195 chỉ tiêu CÐ nhưng theo thông báo trên cổng thông tin điện tử của trường ngày 14-9 mới có tổng số 59 hồ sơ đăng ký xét tuyển…
Việc thí sinh đăng ký tuyển sinh NV2 quá ít cho thấy một kết quả không mấy khả quan đang chờ đón nhiều trường ÐH, CÐ. Vì vậy, trong tuyển sinh đào tạo năm 2011, điểm mới được bổ sung trong quy chế thi tuyển sinh được dư luận chú ý là "Cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường…" Nhưng tình trạng "loạn" giấy báo trúng tuyển, bất chấp quy chế vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thí sinh Phạm Văn Chiến ở Thụy Lũng Nam, Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương (Thái Bình) dự thi vào Trường ÐH Công nghiệp Hà Nội chỉ được 10,5 điểm. Tuy nhiên, từ sau khi Bộ GD và ÐT công bố điểm sàn, Chiến đã nhận được hàng loạt các giấy báo, từ giấy báo nhập học đến giấy thông báo điểm trúng tuyển, giấy báo tập trung, thư mời nhập học… của rất nhiều trường ÐH, CÐ khác nhau như: Công nghiệp Việt Hung, Hà Hoa Tiên, CÐ bách nghệ Tây Hà, CÐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội, CÐ công nghiệp Việt Ðức… Với thí sinh Nguyễn Phương Thùy ở Khối Quyết Tiến, phường Vạn Phúc, quận Hà Ðông (Hà Nội) dự thi ÐH năm 2011 được 10 điểm cũng nhận được hàng loạt những giấy báo nhập học, giấy thông báo tuyển sinh của Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia, Trường ÐH FPT… 
Ðáng chú ý, thí sinh Nguyễn Phương Dung ở Vạn Phúc (Hà Ðông, Hà Nội) nhận được giấy báo tuyển sinh vào lớp trung cấp mầm non hệ chính quy của Trường cao đẳng sư phạm Trung ương nhưng giấy báo này không có đóng dấu xác nhận của đơn vị gửi. Trong khi địa chỉ Trường cao đẳng sư phạm Trung ương, là ở Cầu Giấy (Hà Nội) thì giấy báo tuyển sinh lại đề nơi tiếp nhận hồ sơ là Trung tâm dạy nghề quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) và được gửi đi từ bưu điện huyện Mê Linh. Ðiều đó khiến cho thí sinh không thể hiểu đây có thật sự là một giấy báo tuyển sinh của Trường cao đẳng sư phạm Trung ương, của Trung tâm dạy nghề quận Hai Bà Trưng hay chỉ một hình thức "mời gọi" trá hình nào đó đã tự ý lấy danh là trường học và trung tâm dạy nghề?
Bên cạnh đó, các giấy gọi nhập học, thông báo điểm trúng tuyển, đều được các trường đưa ra với những lời mời hấp dẫn bằng việc học liên thông, liên kết với các trường đại học "tốp" trên theo kiểu thúc giục thí sinh nhanh chân kẻo hết… Ðiển hình như "Thông báo điểm trúng tuyển" của Trường cao đẳng kinh tế – kỹ thuật Hà Nội sau khi khẳng định thí sinh "đủ điểm trúng tuyển được vào học tại trường" đã thúc giục "Anh chị hãy gửi ngay giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2011 (bản chính, có dấu đỏ) đến trường…". Trường này còn đưa ra những thông báo hấp dẫn như: liên kết với Trường đại học Trà Vinh để đào tạo chính quy; liên kết với Học viện Tài chính, Trường ÐH Thương mại đào tạo liên thông đại học chính quy… Không biết sự thật của những giấy thông báo này như thế nào nhưng nhiều thí sinh tỏ ra khá thờ ơ, thậm chí khó chịu, gây phiền toái với nhiều nội dung không rõ ràng.
Có thể nói, rất nhiều trường ÐH, CÐ "hăm hở" công bố mở thêm ngành đào tạo. Thậm chí càng những trường năm nào cũng kêu khó tuyển sinh như khối trường ÐH Dân lập, ÐH vùng  lại càng "tích cực" xin thêm nhiều ngành mới để xứng danh đại học đa ngành, đa nghề. Nhưng nghịch lý ở chỗ nhiều ngành mới mở ở các cơ sở này đang phải chật vật với bài toán làm gì để không đóng cửa khi không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Ðiều đó cho thấy tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực không thể trở thành một "thị trường kinh doanh" mà cần có cái nhìn đúng đắn, toàn diện hơn. Ðào tạo nguồn nhân lực không thể tính đến lợi ích "tiền bạc" một sớm, một chiều. Theo đánh giá chung của chuyên gia, phần lớn các trường ÐH, CÐ gửi giấy báo trúng tuyển một cách vô tội vạ, bất chấp quy chế theo kiểu "trăm bó đuốc vớ được con ếch" chủ yếu là những trường tốp dưới, những trường chưa tạo dựng được uy tín và thương hiệu của mình bằng chất lượng dạy và học. Phần lớn những trường này đều có chỉ tiêu nhưng đang trong tình trạng "ế" không có thí sinh đăng ký tuyển sinh. Thực tiễn trong đào tạo cũng cần có sự quảng bá về trường nhưng tình trạng "loạn giấy báo nhập học" với những "chiêu" mời gọi, cam kết trong tờ rơi, giấy báo nhập học, giấy thông báo điểm trúng tuyển "trá hình" đều bị phóng đại quá mức, không phù hợp thực tế. Ðiều đó, không gây được thiện cảm mà còn gây phiền nhiễu thí sinh, tạo thêm hình ảnh xấu về các trường. Bộ trưởng GD và ÐT đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra việc xét tuyển NV2 của các trường. Những năm trước, việc thanh tra được tiến hành sau khi kết thúc xét tuyển nhưng năm nay, Bộ tiến hành thanh tra ngay để kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những sai phạm. Còn theo Thứ trưởng GD và ÐT Bùi Văn Ga: Các trường cần tập trung tìm các giải pháp cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín. Không quảng bá về áp dụng các biện pháp thu hút thí sinh bằng mọi giá, dưới mọi hình thức, thiếu lành mạnh, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội.
Theo XUÂN KỲ
(NDĐT)

Bình luận (0)