Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Loạn phí đầu năm ở Hà Nội: Bài 1: “Đẻ” đủ loại phí để tận thu

Tạp Chí Giáo Dục

“Tiền trường” là nỗi ám ảnh của phụ huynh học sinh từ rất nhiều năm nay. Dù ngành giáo dục đều khuyến cáo, phụ huynh có thể “từ chối” các khoản tự nguyện nhưng thực tế, ai có thể dám nói “không”!…

Tận thu theo kiểu “bắt” tự nguyện
Một phụ huynh có con học tại lớp 6G, Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tá hỏa khi được thông báo nộp tiền học cho con. Theo phụ huynh này, các khoản thu ngoài học phí mỗi học sinh phải nộp là 2,6 triệu đồng bao gồm các khoản: quỹ khuyến học, quỹ phụ huynh trường, nước uống, vệ sinh, xây nhà truyền thống: 400.000đ; lắp điều hòa: 500.000đ; rèm cửa 200.000đ; quỹ phụ huynh lớp 580.000đ. Với mỗi khoản phí, phụ huynh đều được phát một bản “tôi tự nguyện” đã được đánh máy sẵn và phụ huynh chỉ việc ký. Ngoài ra, trong khi các lớp không “chọn” chỉ phải đóng 200.000đ xây nhà truyền thống thì các lớp chọn phải đóng 400.000đ. Quá bức xúc với những khoản tiền vô lý, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, tại lớp 6G chỉ có 19/45 phụ huynh đồng ý với khoản thu này. Nhưng trưởng ban đại diện CMHS ép tất cả phải theo vì đây là lớp chọn.
Còn tại Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa), chị Hoàng Thị Xuân, một phụ huynh của trường cho biết, từ đầu tháng 8, nhà trường đã thông báo thu học phí tháng 8, tháng 9 và phụ thu đầu năm. Trong tháng 8, phụ huynh đã phải đóng phí chính khóa, quỹ phát triển giáo dục, tiền ăn, bán trú phí (hoặc nội trú phí), tiền điện phòng ngủ máy lạnh, tiền vi tính khoảng 1 triệu đồng… Dự thu tháng 9 và thông báo phụ thu đầu năm được thông báo là 405.000đ/ ngoại trú, 756.000đ/ bán trú, 1.946.000đ/ nội trú.Trường Tiểu học Dịch Vọng, chưa họp phụ huynh nhưng cũng đã đóng các khoản khoảng 1,5 triệu đồng/ học sinh. Tháng 8 chỉ học thêm nửa tháng nhưng phải đóng tiền học, tiền bán trú cả tháng là hơn 800; đã thu tháng 9 nhưng không thấy nói gì tới việc trả lại tiền tháng 8. Năm nay trường xây mới, dự kiến tiền xây dựng trường khoảng hơn 1 triệu đồng. Một số lớp đã lắp điều hòa, nếu phụ huynh nào không đóng tiền điều hòa cho con sẽ phải chuyển sang những lớp chỉ có quạt trần. Tất nhiên, các phụ huynh đều không muốn con mình phải chuyển lớp nên đều phải đóng tiền điều hòa.
Khi làm thủ tục nhập học, những phụ huynh có con thuộc diện học sinh trái tuyến, rất nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội buộc phải đóng khoản tiền hỗ trợ tự nguyện. Một phụ huynh có con học Trường TH Dịch Vọng A cho biết: “Năm nay, khoản tiền tự nguyện đối với HS trái tuyến đã lên mức 2 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thêm tiền lắp đặt máy điều hòa, mỗi cháu phải nộp 600.000 đồng”. Ở các trường TH Kim Liên, Lê Văn Tám, Nam Thành Công… số tiền tự nguyện này mức thấp nhất là 1 triệu đồng/ học sinh.
Trường tư: “đẻ” ra đủ chuyện để moi tiền
Một phụ huynh khác có 2 con học tại Trường dân lập Lý Thái Tổ cho biết, mặc dù trường liên kết với nước ngoài mang “mác ngoại, nhưng chất lượng nội”, tuy nhiên ở bậc mẫu giáo năm nào cũng tăng học phí. Chị cho biết: “Nếu năm ngoái học phí là 2 triệu đồng, năm nay đã tăng lên 2,3 triệu đồng; tiền xây dựng trường năm nào cũng phải đóng một khoản là 2 triệu đồng, thậm chí phải đóng cả tiền đồ chơi, nhưng thực tế, các cháu vẫn phải dùng đồ… cũ mèm”. Một phụ huynh có con học lớp 3 Trường TH dân lập Đoàn Thị Điểm cho biết: Năm nào cũng nhận được thông báo tăng học phí. Không chỉ có học phí, phụ huynh trường này còn phàn nàn về việc nhà trường kinh doanh trên cả những dịch vụ như xe đưa đón học sinh, sách, tài liệu học tiếng Anh… Chẳng hạn như tiền xe trường thu 500.000 đ/ tháng/ cháu mà nhà trường “nhồi” tới 80 cháu/xe. Rất nhiều phụ huynh thắc mắc về sách tiếng Anh của trường này. Quyển Let’s Go từ lớp 1 đến lớp 5 đều đã có phiên bản mới tái bản lần 3 rồi mà nhà trường vẫn bắt theo phiên bản cũ tái bản lần 2. Ra ngoài mua thì không có nên chắc chắn phải mua tại trường. “So với bộ phiên bản 3 mua ngoài thị trường với phiên bản 2 của nhà trường bán cho học sinh, chênh lệch tới 50.000 đồng/ bộ”, một phụ huynh ấm ức. Phụ huynh khác thì than phiền: “Quỹ lớp con nhà mình mỗi cháu nộp 1,5 triệu đồng/ năm mà cô chủ nhiệm vẫn chê là quỹ lớp mình ít so với các lớp khác”. Điều đáng nói là quỹ chỉ dành cho cô chi tiêu vào việc sao in tài liệu (theo báo cáo, cô chi gần 5 triệu đồng cho việc sao in), trong khi đó, các hoạt động ngoại khóa phụ huynh vẫn phải đóng góp riêng.
“Lỗi tại phụ huynh”!?
Trước tình trạng lạm thu diễn ra hàng năm, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sở sẽ đề xuất, học kỳ 2 sẽ tăng học phí, nhưng phải đảm bảo không quá 1,5 đến 2 lần so với hiện tại, đồng thời tăng định mức ngân sách đề xuất lên trên 2 triệu đồng/ học sinh. Lý do tăng học phí và tăng ngân sách của giáo dục thủ đô vẫn theo lời Giám đốc Sở: “Ngân sách và khoản thu học phí sẽ là nguồn thu đủ để chi cho các hoạt động tại các nhà trường, hướng đến việc dần dần giảm việc “lạm thu” ngoài học phí của các trường”. Qua khảo sát của ngành giáo dục trong năm học 2009-2010 cho thấy, trong một gia đình dù là công chức, nông dân hay công nhân, hai người làm chỉ đủ nuôi một người đi học.
Đồng thời, liệu tăng học phí có giảm được các khoản thu ngoài luồng hay không khi mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời báo chí, cho rằng: “Có khi nhiều người, với tư cách công dân thì phản ứng nhưng với tư cách phụ huynh lại tiếp tay cho việc nộp tiền” thì rõ ràng việc lạm thu nếu xảy ra là tại phụ huynh chứ đâu phải tại bộ, tại sở, tại trường?
Còn về phía phụ huynh, khi nhà trường đã “phát lệnh” thì đố ai “dám” nói “không”!
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)