Phụ huynh trường tiểu học Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) được thông báo nộp 700.000 đồng gọi là phí tự nguyện, bao gồm cả tiền mua bàn ghế học sinh, giáo viên. Có trường, cha mẹ học sinh còn được đề nghị đóng tiền xây dựng nhà máy nước tinh khiết.
Theo phản ánh của phụ huynh lớp 1 Tiểu học Lê Lợi (TP Hà Đông, Hà Nội), tại buổi họp phụ huynh đầu năm, cô chủ nhiệm thông báo một loạt khoản thu, trong đó có 200.000 đồng phí hỗ trợ cơ sở vật chất, 200.000 đồng mua bàn học sinh, 150.000 đồng mua bàn giáo viên…
Khai giảng năm học mới tại Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội). Ảnh: Tiến Dũng. |
“Tôi băn khoăn không hiểu tại sao phải đóng tiền mua bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên? Mang tiếng các cháu được miễn học phí nhưng đầu năm nộp hơn 1 triệu đồng mà vẫn chưa đâu vào đâu”, phụ huynh này nói.
Cũng tại trường này, một phụ huynh lớp 2D lại cho hay biết, vừa phải nộp gần một triệu đồng, trong đó, đáng chú ý là tiền mua bàn ghế học sinh và loa 100.000 đồng, mua bàn giáo viên 30.000 đồng, rồi tiền thiết bị phòng thư viện, sửa chữa điện nước nhà vệ sinh, sơn vôi tường, sơn kẻ lại bảng, bồi dưỡng cho cấp dưỡng…
“Nếu mỗi học sinh đóng 30.000 đồng mua bàn cho giáo viên chủ nhiệm thì 80 học sinh của 2 lớp (sáng và chiều) sẽ đóng chừng 2,4 triệu đồng. Bàn này được dùng trong bao lâu mà sao năm nào học sinh cũng phải nộp khoản này? Trường thu gần một triệu đồng mà không thông báo bằng văn bản và không có phiếu thu?”, vị phụ huynh đặt câu hỏi.
Cách đây 2 năm, tiểu học Lê Lợi cũng từng bị phản ánh về việc thu 250.000 đồng mua bàn ghế của học sinh. Tuy nhiên, sau khi bị phụ huynh phản ánh, giáo viên chủ nhiệm trả lại khoản tiền này và để hội phụ huynh đứng ra thu.
Theo phản ánh của học sinh lớp 11 THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội), ngoài học phí, đồng phục, bảo hiểm… các em phải nộp thêm 400.000 đồng. Trong đó, quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất chiếm hơn nửa số tiền này, còn lại là quỹ hỗ trợ kiểm tra trắc nghiệm (40.000 đồng), quỹ hỗ trợ dịch vụ 50.000 đồng…
Khoản thu của học sinh lớp 2D, Tiểu học Lê Lợi. Ảnh: CTV. |
Còn phụ huynh THPT Thường Tín A (Thường Tín, Hà Nội) cũng phải móc hầu bao 500.000 đồng. Đáng lưu ý, trong khoản này có cả tiền hỗ trợ lễ kỷ niệm thành lập trường (50.000 đồng), tiền xây dựng nhà máy nước tinh khiết (60.000 đồng)…
Không chỉ nộp đủ loại quỹ, phụ huynh còn phải gánh thêm khoản bồi dưỡng giáo viên. Trong buổi họp đầu năm, hội phụ huynh một trường mầm non ở quận Tây Hồ gợi ý mỗi tháng, ngoài các khoản phải đóng, học sinh nộp thêm 100.000 đồng để bồi dưỡng giáo viên.
“Lớp có 2 cô, 48 trò mà đóng 100.000 đồng thì tính ra mỗi cô được 2,4 triệu đồng một tháng, chưa kể lương, như vậy có cao quá không?”, anh Hà, phụ huynh đặt câu hỏi.
Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Tiểu học Lê Lợi, Phạm Thị Tâm cho biết, đầu năm trường thu tiền học bán trú 60.000 đồng mỗi tháng, tiền ăn 10.000 đồng một bữa. Học sinh lớp 1 phải đóng 200.000 đồng tiền xã hội hóa giáo dục, trong đó riêng tiền ghế nhựa đã là 30.000 đồng, mua sắm ban đầu của lớp bán trú như giá treo khăn, bát… là 70.000 đồng.
Cũng theo cô Tâm, trước thực trạng cơ sở vật chất của trường nghèo nàn, cũ kỹ, phụ huynh còn kêu gọi xã hội hóa để cải tạo phòng vệ sinh, mua loa đài cho học sinh, thay bàn cho giáo viên. Thậm chí, dù đã xây xong khu nhà mới nhưng chưa có tiền mua 100 bộ bàn ghế giá 75 triệu đồng nên trường vừa phải mượn ở trường khác 45 bộ bàn ghế thải ra cho học sinh ngồi tạm.
“Bàn của giáo viên rất cũ kỹ, phụ huynh năm nào cũng yêu cầu tặng trường nhưng tôi chưa đồng ý nên vừa qua phụ huynh bảo để việc này cho các lớp tự lo. Hai năm qua, các cháu lớp 1 đã đóng 400.000 đồng nên năm nay phụ huynh cho rằng tạm thời sẽ thu 200.000 đồng một cháu tiền tăng cường cơ sở vật chất. Nhưng đó mới là đề xuất”, Hiệu trưởng Tâm dẫn giải.
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, khoản thu hỗ trợ tiểu học (bắt buộc) đã bao gồm tiền điện chiếu sáng, quạt, nước uống, bảo vệ trông xe đạp, vệ sinh trường lớp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh khá giỏi, thuê giáo viên dạy họa, nhạc, thể dục, chi hoạt động văn nghệ…
Tương tự, hướng dẫn liên ngành của UBND thành phố cũng nêu rõ, học phí (Mầm non, THCS, THPT) được trích để hỗ trợ lương giáo viên, sửa chữa, nâng cấp trường, mua sắm trang thiết bị dạy và học tập, chi phí phúc lợi tập thể, trông xe, vệ sinh trường lớp, hỗ trợ hoạt động Đoàn, Đội…
Box: Ngày 11/9, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn yêu cầu các trường phải thông báo công khai tất cả các khoản thu, chi đầu năm học, bao gồm các khoản thu chi từ học phí, các khoản thu khác, các khoản thu theo thỏa thuận, thu tự nguyện.
Riêng các khoản thu theo thỏa thuận, trường phải có văn bản thỏa thuận tới từng cha mẹ học sinh về cả mức thu và nội dung chi và được sự nhất trí của hội nghị cha mẹ học sinh các lớp. Ngoài ra, các trường không được quy định mức đóng góp tự nguyện đối với từng học sinh.
Tiến Dũng (Theo VNE)
Bình luận (0)